Đa thiên tai xuất hiện, thời tiết ngày càng dị thường
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, 2 dạng hình thái thời tiết nguy hiểm là áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh còn tiếp tục ảnh hưởng, thiên tai có xu hướng phức tạp hơn trong thời gian tới.
Thời tiết đa thiên tai nguy hiểm
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong 10 ngày tới có 2 dạng hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến nước ta. Đầu tiên là áp thấp nhiệt đới vừa di chuyển vào biển Đông, đang hướng di chuyển về khu vực miền Trung và có khả năng mạnh lên thành bão, với hình thái này thì khu vực giữa và Nam biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa sẽ có gió mạnh cấp 6 - 7, có khả năng có lúc cấp 8, gió giật rất mạnh, mưa rào và giông mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Hai là ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ và nhiễu động gió đông trên cao, đồng thời gió mùa tây nam cũng đang hoạt động mạnh. Đây là tổ hợp các hình thái thiên tai điển hình thường gây mưa lớn diện rộng ở khu vực miền Trung.
“Chúng tôi dự báo từ nay đến ngày 21/10 ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ ngày 16 - 21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500 - 800mm, cục bộ có nơi trên 800mm; ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phổ biến 300 - 500mm, cục bộ có nơi trên 500mm; ở các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên từ 200 - 300mm, có nơi trên 350mm. Từ đêm 16 - 18/10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100 - 200mm, có nơi trên 250mm.
Còn theo dự báo dài hơn, từ nay đến hết năm 2020 vẫn còn có khả năng có từ 4 - 6 áp thấp nhiệt đới/bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có từ 2 - 4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; vì vậy các thiên tai mưa, lũ còn có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến tháng 11/2020”, ông Mai Văn Khiêm cho hay.
Ngập úng, sạt lở có thể còn nghiêm trọng hơn
Theo ông Mai Văn Khiêm cho hay, đối với thời tiết biển thì ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cộng thêm tác động của không khí lạnh nên hầu khắp các khu vực biển Đông trong những ngày tới đều xảy ra tình trạng thời tiết xấu, mưa giông gió mạnh, sóng cao, gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Vì vậy, cần lưu ý cảnh báo các nguy hiểm đối với các tàu thuyền, khu vực có lồng bè nuôi trồng thủy sản và công trình ven biển.
Trên đất liền, đáng ngại nhất vẫn là tình trạng mưa lũ ở miền Trung. Từ ngày 6 - 13/10 đã xảy ra mưa rất lớn, các hồ đã tích thêm nước, đất đã bão hòa nên chúng tôi cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện. Ngoài ra, trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, việc đảm bảo an toàn của các hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng là mối quan tâm lớn đối với các chính quyền địa phương và người dân. Các thiên tai có diễn biến rất phức tạp, vì vậy chính quyền và người dân cập nhật liên tục thông tin dự báo diễn biến thời tiết và thiên tai để chủ động đối phó nếu mưa lũ quay trở lại.
Trong 10 ngày qua, kể từ ngày 5/10, nước ta liên tục xảy ra các hiện tượng thời tiết dị thường, từ mưa bão, lũ lụt cho đến áp thấp nhiệt đới. Hậu quả mưa lớn từ cơn bão số 5 kéo dài sang cơn bão số 6 cho đến cơn bão số 7. Chưa bao giờ các cơn bão xảy ra dồn dập như thế trong một thơi gian ngắn, lần lượt các cơn bão số 5, 6, 7 và trên biển đang hình thành áp thấp, nếu mạnh lên sẽ thành cơn bão số 8. Mưa lớn có nơi lên đến 3.000ml xảy ra trong vòng từ ngày 6 - 12/10 tại các tỉnh miền Trung gây ra vùng ngập úng sâu rất rộng trên 212 xã, 5 tỉnh, 135 nghìn dân. Do thời tiết có nhiều dị thường nên người dân cần cẩn trọng đề phòng, theo dõi sát diễn biến các bản tin dự báo để ứng phó phù hợp.
Theo khoahocdoisong.vn