Đà Nẵng: Dự trữ nước tại các hộ gia đình để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn
Các cơ quan chức năng Đà Nẵng sẽ thông báo cho người dân xây bể chứa, lắp đặt bồn chứa… để dự trữ nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt trong trường hợp cúp nước thủy cục hoặc nước thủy cục quá yếu ở các khu vực cuối tuyến.
Như tin đã đưa, hiện Sở TN-MT Đà Nẵng đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tập trung triển khai kế hoạch về dự trữ nước nhằm ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước diện rộng trên địa bàn TP mùa khô năm 2020 dự báo sẽ căng thẳng hơn cùng kỳ nhiều năm.
Năm 2019, Đà Nẵng từng phải sử dụng xe bồn cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân do hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước diện rộng... (Ảnh: HC) |
Trao đổi thêm với Infonet ngày 4/6, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng) Đặng Nguyễn Thục Anh cho biết, để đảm bảo nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, cùng với chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ cấp nước trên địa bàn, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cũng hướng tới việc tăng khả năng dự trữ nước tại các hộ gia đình.
“Để đảm bảo khả năng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước diện rộng…, theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, các cơ quan chức năng sẽ thông báo cho người dân có phương án xây bể chứa, lắp đặt bồn chứa… để dự trữ nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt trong trường hợp cúp nước thủy cục hoặc nước thủy cục quá yếu ở các khu vực cuối tuyến!” – Bà Đặng Nguyễn Thục Anh cho biết.
Đồng thời các cơ quan hữu quan TP cũng sẽ tăng cường phương án khai thác, sử dụng nước dưới đất. Cụ thể là thăm dò, đánh giá sơ bộ chất lượng nguồn nước dưới đất tại các khu vực đã xảy ra thiếu nước trước đây và các khu vực có nguy cơ thiếu nước; khoan giếng cấp nước sinh hoạt (không sử dụng cho mục đích ăn uống) cho nhân dân tại các khu vực thiếu nước.
“Đối với các tổ chức, cá nhân có giếng khoan, giếng đào được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo khuyến khích, vận động họ hỗ trợ, tạo điều kiện để bơm nước giếng vào các xe bồn phục vụ cấp nước lưu động cho nhân dân, hoặc cấp nước trực tiếp cho nhân dân tại khu vực lân cận giếng khoan bị thiếu nước sinh hoạt” – Bà Đặng Nguyễn Thục Anh cho biết.
Cùng với đó, các giải pháp công trình để tăng cường khả năng dự trữ nước cũng sẽ được các cơ quan, đơn vị hữu quan TP Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện theo Kế hoạch 3076/KH-UBND của UBND TP Đà Nẵng, như nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, khẩn trương đóng kín đập tạm số 2 trên sông Cẩm Lệ tại đoạn đang chừa lại 30m…
Tuy nhiên, theo bà Đặng Nguyễn Thục Anh, giải pháp quan trọng nhất vẫn là theo dõi việc vận hành, đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước còn lại tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) từ nay đến cuối mùa cạn để đáp ứng hài hòa nhu cầu phát điện và nhu cầu sử dụng nước tại vùng hạ lưu (Infonet đã đưa tin).
Đồng thời, một trong những giải pháp quan trọng mà TP Đà Nẵng sẽ thực hiện để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước diện rộng… trong những tháng còn lại của mùa hạn 2020 là tăng cường khả năng dự trữ nước tại hồ Hòa Trung.
Trường hợp nguồn nước sông Vu Gia tại Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn sẽ khai thác nước mặt tại hồ Hòa Trung với lưu lượng tối thiểu để duy trì vận hành công trình xử lý nước mặt tại hồ này cấp cho sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp.
Trường hợp nguồn nước sông Vu Gia tại NMN Cầu Đỏ nhiễm mặn liên tục 24h trên 1.000mg/l không thể khai thác, trong khi việc khai thác nước từ Trạm bơm An Trạch không đủ cung cấp nước cho NMN Cầu Đỏ thì sẽ khai thác nước mặt tại hồ Hòa Trung với lưu lượng tối đa 10.000m3/ ngày đêm để cấp cho sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp.
“Theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, nguyên tắc dự trữ nước tại hồ Hòa Trung là sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên phân bổ nguồn nước ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo người dân chuyển sang các loại cây trồng phù hợp!” – Bà Đặng Nguyễn Thục Anh cho biết.
Hải Châu