Đà Nẵng: Chặt hạ, di dời 345 cây xanh phía Tây cầu Trần Thị Lý
122 cây xanh gồm giáng hương, bàng đài loan, muồng tím… sẽ được di dời; 223 cây gồm trứng cá, hoa sữa, sao đen… sẽ phải chặt hạ để thi công dự án “Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý” (Đà Nẵng)
Phạm vi di dời, chặt hạ cây xanh, thảm cỏ
Hai ngày qua, nhiều người có dịp đi qua đường 2/9 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đều cảm thấy tiếc rẻ khi chứng kiến công nhân Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng cắt cành, đào gốc… hàng loạt cây sao đen đã ngót nghét 20 năm tuổi, chỉ còn trơ lại như những cây gỗ (hoặc củi) và chở đi nơi khác.
Hàng loạt cây sao đen trên đường 2/9 (Đà Nẵng) sẽ phải chặt hạ để thi công cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. (Ảnh: HC) |
Trường phòng Kế hoạch & Đầu tư Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng Tôn Nữ Thục Chinh bày tỏ bà cũng như các anh em công nhân không khỏi thấy xót xa khi phải tự tay đốn hạ những cây xanh do chính mình chăm sóc mỗi ngày.
Theo quan sát của PV, trên mỗi thân cây sao đen bị chặt hạ đều có dán thông báo ghi rõ: “Chặt hạ cây sao đen cao 6-7m, đường kính 25-30cm" theo Quyết định của UBND TP Đà Nẵng phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình “Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý”.
Bà Tôn Nữ Thục Chinh cho biết, để thực hiện dự án này, sẽ có 6.978m2 thảm cỏ, 3.693m2 thảm hoa phải di dời. Đối với cây xanh, tiến hành di dời 122 cây, gồm giáng hương, bàng đài loan, muồng tím…; đồng thời chặt hạ 223 cây, gồm trứng cá, hoa sữa, sao đen…, trong đó có 159 cây sao đen.
“Phạm vi ảnh hưởng là khu vực đường Duy Tân từ đường Lê Đình Thám đến cầu Trần Thị Lý; khu vực đường 2/9 từ đường Phan Thành Tài đến Đài Tưởng niệm trước Quảng trường 29/3. Sẽ tiến hành di dời hoặc chặt hạ cây xanh, thảm hoa, cây cảnh nơi dải phân cách và cây xanh hai bên vỉa hè”, bà Tôn Nữ Thục Chinh nói.
Đến BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, đơn vị chủ đầu tư kiêm quản lý dự án “Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý”, PV được ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc BQL cho biết thêm, UBND TP Đà Nẵng đã có tiếp Quyết định 1601/QĐ-UBND ngày 6/5 phê duyệt thiết kế kỹ thuật di dời cây xanh thuộc dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.
“Theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, sẽ tiến hành chặt bỏ các loại cây bồ đề, dừa, keo, trứng cá, xà cừ, bàng, sanh, phượng, sao đen, hoa sữa, hoàng linh. Đây là các cây thuộc loại cây hạn chế và cấm trồng trên đường phố. Đối với các cây muồng tím, lim sẹt, bàng đài loan, bằng lăng, cau trắng, cau vua, dầu rái, lộc vừng, sưa, sa kê, hoàng yến, cọ gai; đây là 9 loại cây khuyến khích trồng nhưng do bị vướng quy hoạch mới nên cần phải di dời hoặc chặt bỏ.
Cụ thể, các cây hiện trạng có đường kính D>0,3m thì chặt bỏ do loại cây này có đường kính lớn, cây to nên việc trồng lại khó sống và sinh trưởng kém. Các cây hiện trạng có đường kính D<0,3m thì di dời về vườn ươm chăm sóc, bảo dưỡng để trồng lại”, ông Nguyễn Ngọc Hoàng cho biết.
Vì sao phải chặt bỏ các cây sao đen?
Theo bà Tôn Nữ Thục Chinh, sau khi chặt hạ hoặc di dời hệ thống cây hiện trạng, tùy thuộc vào thiết kế cảnh quan khu vực mà sẽ bố trí lại. Theo thiết kế được duyệt thì đơn vị tư vấn không tận dụng lại cây sao đen để trồng mà tận dụng những loài cây khác như lộc vừng, giáng hương, muồng tím, bàng đài loan…
“Các cây sao đen hiện trạng trên tuyến đã già cỗi, nếu tận dụng để trồng lại trên chân đất mới thì hệ rễ không còn, không có độ bám dính trong lòng đất nữa. Trong khi đó, điều kiện thời tiết khí hậu của Đà Nẵng hay có mưa bão sẽ khiến những cây này dễ đổ ngã. Vì vậy, bên thiết kế không tận dụng những loại cây như thế này để trồng lại nữa!”, bà Tôn Nữ Thục Chinh giải thích.
Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến các công nhân Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng cẩn thận cắt tỉa hệ rễ của các cây lộc vừng trên đường 2/9 để đưa về vườm ươm chăm sóc, đến khi công trình xây dựng xong sẽ tiến hành trồng trở lại theo quy hoạch mới của khu vực dự án.
Trong khi đó, với các cây sao đen, công nhân sử dụng xe cẩu cắt trụi cành lá chỉ còn trơ lại dãy thân cây, tưới nước vào gốc cho mềm đất và chỉ cần dùng cẩu xe “đẩy nhẹ” là cây ngã vật xuống đất, trơ ra gốc rễ quá cạn hẹp so với vóc dáng “to, cao” của cây. Theo các công nhân, điều này giải thích vì sao cây sao đen nằm trong nhóm cây “hạn chế và cấm trồng trên đường phố”.
Loài cây này cũng như các cây xanh cùng nhóm vốn có hệ rễ ăn sâu và rộng, song quỹ đất đường đô thị không có đủ để dành cho hệ rễ như vậy. Ngay như đường 2/9 vốn rộng rãi nhưng quỹ đất vỉa hè dành cho cây xanh chỉ rộng 1,2m, rễ cây không thể phát triển ra rộng hơn vì bên ngoài vướng đường nhựa, bên trong vướng cống thoát nước hoặc hệ thống hạ tầng đô thị.
“Cây cao, cành lá rộng nhưng rễ hẹp nên các cây này rất dễ ngã đổ khi mưa to gió lớn, gây hư hại hệ thống hạ tầng đô thị xung quanh. Cứ đến mùa mưa bão chúng tôi phải cắt tỉa gần như trụi cây, khi cây ra lại được cành lá, có bóng mát trở lại thì cũng chuẩn bị vào mùa mưa bão tiếp theo, lại phải cắt tỉa. Tôi nghĩ có dịp thì cần thay thế bằng các loại cây khác phù hợp hơn”, tài xế xe cẩu của Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng nói.
Tuy nhiên lãnh đạo Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng cho biết luôn quán triệt công nhân hạn chế tối đa việc chặt bỏ hay di dời cây xanh, thảm cỏ, chỉ trường hợp nào thật cần thiết mới thực hiện. Chẳng hạn trên đường 2/9, vỉa hè Công viên bắc Đài Tưởng niệm có hàng cây lim xẹt; hoặc phía đối diện bên kia đường, cây xanh vỉa hè đoạn từ đường Tiểu La đến Đài Tưởng niệm không bị vướng quy hoạch thì vẫn giữ nguyên…
Hải Châu