Cựu Tổng thư ký NATO gọi “Quân đội EU” là một “con hổ giấy”
Hãng tin Sputnik đưa tin, Ngoại trưởng các nước Châu Âu vẫn đang cảm thấy bất bình khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Điều này đã nảy sinh những mối lo ngại về chính trị, kinh tế và quan hệ hợp tác an ninh giữa Liên minh Châu Âu và Mỹ.
Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. |
Vai trò của NATO là một trong những đề tài được nêu ra trong các cuộc thảo luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, khi ông Trump kêu gọi các nước thành viên NATO phải tự chi ngân sách quốc phòng, nếu không Mỹ sẽ không tuân theo cam kết và không hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào trong trường hợp xung đột xảy ra.
Dù vậy, ông Trump đã nói rõ rằng châu Âu không phải là gánh nặng trong quan hệ giữa EU và Mỹ mà chỉ đặt câu hỏi rằng vì sao Mỹ phải chi quá nhiều tiền cho một tổ chức mà ông gọi là “lạc hậu”. Ông cũng nói với báo giới rằng ông không tán đồng quan điểm rằng Mỹ phải trở thành cảnh sát của thế giới.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập một lực lượng phòng vệ chung châu Âu, hay còn gọi là “Quân đội EU”. Trong thông điệp của mình vào ngày 14/11, ông Juncker cho biết: “Châu Âu cần phải mạnh mẽ hơn, và đây luôn là một điều kiện mà chúng tôi đặt ra khi đề ra chiến lược quốc phòng. Hiệp ước Lisbon năm 2007 cho phép các nước thành viên EU có thể tập trung binh lính và khí tài quân sự thành một lực lượng có tổ chức, và đây là cơ hội để thực hiện điều này”.
Tuy nhiên, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã trả lời phỏng vấn hãng tin BBC rằng: “Đội quân EU theo tôi chỉ là một con hổ giấy. Nhiều nước thành viên EU đã nói về việc thành lập một lực lượng vũ trang mới, với trụ sở chính mới đặt ở Brussels. Chúng ta không cần đội quân này”.
Trước đó vào tháng 10, ông Rasmussen đã nói với tạp chí Politico rằng: “Điều quan trọng ở đây đó là vị thế của Mỹ, và nếu ông Trump được bầu làm Tổng thống, tôi lo rằng đó có thể là dấu chấm hết cho một thế giới mà Mỹ đang thống trị về mọi mặt”.
Trong cuộc họp thượng đỉnh tại xứ Wales (Anh) vào tháng 11/2014, các nước thành viên NATO đã ký kết thỏa thuận chi 2% GDP của mình cho lĩnh vực quân sự. Vào tháng 7 vừa qua, khi được hỏi rằng liệu ông sẽ hỗ trợ Estonia, Latvia và Lithuania nếu họ bị Nga xâm lược, ông Trump nói ông sẽ làm vậy nếu những quốc gia đó “thực hiện những cam kết của họ đối với chúng tôi”.