Cựu Tổng thống Nelson Mandela yếu đi, truyền thông thế giới ‘hỗn loạn’.
Là một người bạn thân và cũng là bạn tù lâu năm của Nelson Mandela, ông Mac Maharaj từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa câu chuyện của ông Mandela ra thế giới. Trong những năm 1970, khi cả hai bị giam giữ tại nhà tù trên Đảo Robben vì tham gia phong trào chống phân biệt chủng tộc, ông Maharaj đã giúp đưa ra ngoài bản thảo của cuốn hồi ký "Long Walk to Freedom" (Hành trình dài tới tự do) của ông Mandela.
![]() |
Phóng viên quốc tế ở bên ngoài Bệnh viện Tim Mediclinic ở Pretoria, nơi ông Mandela đang điều trị. |
Hôm nay, với vai trò là phát ngôn viên của Tổng thống Nam Phi, ông Maharaj lại một lần nữa là cầu nối cho câu chuyện của Mandela.
Tại một cuộc họp báo hôm 24/6, ông Maharaj mắng nhiếc các nhà báo vì đã đưa tin không chính xác về tình hình của ông Mandela khi ông đang phải điều trị tại bệnh viện. Maharaj nói rằng, những phóng viên phi đạo đức đã liên hệ với các bác sĩ, vi phạm bảo mật thông tin bệnh nhân và, trong một số trường hợp, khiến cho thông tin bị sai lệch.
Vào tối hôm 25/6, ông Maharaj đã phản ứng với một bài báo đưa tin ông Mandela đang phải dùng máy thở để duy trì sự sống rằng: "Tôi sẽ không đi vào bất kỳ chi tiết nào bằng cách xác nhận hay phủ nhận. Tôi sẽ không tranh cãi với một nguồn tin giấu tên".
Phát ngôn trên của ông Maharaj đã chạm tới những vấn đề trong việc đưa tin về Mandela, một biểu tượng của tự do được yêu mến trên toàn thế giới: làm thế nào để định hướng tin tức về sức khỏe của ông khi người dân Nam Phi có độ nhạy cảm sâu sắc về người đàn ông đặc biệt này.
![]() |
Nic Dawes, biên tập viên của tờ The Mail & Guardian, người đã viết một bài nêu ra những bất đồng trong gia đình Mandela về việc lựa chọn địa điểm chôn cất ông Mandela, nói: “Có rất nhiều vấn đề phức tạp ở đây. Một là sự mâu thuẫn sâu sắc do những đặc điểm văn hóa khi thảo luận về khả năng ông sắp qua đời. Nữa là một việc ‘khát’ thông tin”.
Những lo ngại về sức khỏe của ông Mandela càng gia tăng tối hôm 26/6 khi Tổng thống Jacob Zuma đã hoãn chuyến thăm tới nước láng giềng Mozambique. Sau khi đến thăm ông Mandela, ông Zuma đã ra thông báo rằng "ông vẫn đang trong tình trạng nguy cấp".
Tình trạng sức khỏe ngày càng nghiêm trọng của ông Mandela đã thu hút nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đến Nam Phi, có lẽ là lớn nhất kể từ đầu những năm 1990 khi ông Mandela được trả tự do khỏi nhà tù, sau đó được bầu tổng thống da đen đầu tiên của nước này. Nhiều căn lều, xe của phóng viên có mặt ở trên đường phố hẹp bên ngoài Bệnh viện Tim Mediclinic ở Pretoria, nơi ông đang được điều trị.
Những nhà quay phim, nhiếp ảnh gia và phóng viên tụ tập bên ngoài cổng bệnh viện, ‘săm soi’ tất cả các khách đến thăm.
Các nhiếp ảnh gia của hàng tin AP đã thuê một ban công của một căn hộ ở dãy nhà cho thuê bên kia đường, có thể nhìn thấy lối vào bệnh viện. Nhiều người dân kinh doanh cũng tận dụng cho thuê nhà vệ sinh và mở các quầy bán hàng bên đường.
Nhưng một số người dân Nam Phi lại thấy khó chịu về điều này. Nhiều xe đi qua đây đã đi chậm lại và la het yêu cầu những người nước ngoài trở về nhà.
Hôm 10/6, một nhân viên bảo vệ bệnh viện đã tấn công một nhiếp ảnh gia cố chụp ảnh khi vợ cũ của ông Mandela, Winnie Madikizela-Mandela, vào bệnh viện và phá vỡ máy ảnh của anh này.
Dawes cho biết: "Rất nhiều người dân Nam Phi không thích những cảnh tượng này. Họ không thích những đám đông xung quanh nhà ở, bệnh viện”.
Ông Maharaj, nguồn duy nhất cho những thông tin chính thức về sức khỏe của ông Mandela, nói rằng ông chỉ có thể thông báo một cách khái quát về tình trạng của cựu tổng thống.
Sự căng thẳng giữa các phương tiện truyền thông và chính phủ Nam Phi đã lên đến đỉnh điểm khi vào cuối tuần trước, hãng tin CBS News phát đi một bản tin nêu chi tiết về việc chiếc xe cứu thương của ông Mandela đã bị hỏng như thế nào, khiến ông phải chờ đợi bên đường trước khi được đưa tới bệnh viện hôm 8/6.
Tin tức này đã khiến cho chính phủ cảm thấy bị ‘mất mặt’ và ông Maharaj mặc dù rất tức giận nhưng cũng đã xác nhận sự cố này, đồng thời phủ nhận ông Mandela bị đau tim và cho rằng thông tin này là nhằm làm mất uy tín lãnh đạo của đất nước.