Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu: Người biến Singapore thành "mãnh sư"
Trong những ngày gần đây, thông tin liên quan tới tình hình sức khỏe của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của không chỉ giới lãnh đạo, người dân Singapore mà cả các nguyên thủ trên thế giới.
Sau khi Văn phòng Thủ tướng Singapore thông báo ông Lý Quang Diệu đang “rơi vào tình trạng nguy kịch”, nhiều người dân đã đến tập trung bên ngoài Bệnh viện Đa khoa Singapore và đốt nến cầu nguyện cho ông.
Cựu Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu |
Một người dân Singapore tên Asyraf Jalil khẳng định: “Ông ấy là một người tốt và là người cha của đất nước Singapore hiện đại”.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee mô tả ông Lý Quang Diệu “là nguồn sáng đối với các nước đang phát triển”.
Trước đó, hôm 5/2, ông Lý Quang Diệu (91 tuổi) đã được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Singapore do viêm phổi nặng. Trong dịp tết cổ truyền vừa qua, ông cũng phải nhập viện vì nhiễm trùng, sốt và ho nặng. Đến 3h18 sáng ngày 23/3, ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Có thể nói, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo đại tài khi ông biến Singapore từ một quốc gia bị Anh đô hộ với diện tích lãnh thổ nhỏ bé, dân số ít, tài nguyên thiên nhiên không có gì, trở thành một mãnh sư, giữ vị thế lớn không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Khi mà, Singapore là một trong những quốc gia sáng lập ra khối ASEAN.
Trong đó, “chìa khóa vàng” giúp đất nước Singapore phát triển mạnh mẽ và bền vững suốt nhiều năm qua phải kể đến chính sách “trọng dụng người tài” được xây dựng một cách bài bản và hệ thống mà cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng như đảng PAP cầm quyền thi hành từ trước tới nay. Nói cách khác, tự nhận thấy dân số và nhân tài trong nước chỉ có hạn, nhà lãnh đạo Singapore đã cho xây dựng một chính sách sử dụng người nhập cư.
Chia sẻ trên tờ Straits Times Weekly, ông Lý Quang Diệu từng cho rằng: “Nhân tài nước ngoài là chìa khoá bước tới tương lai. Do đó, các công ty cần những nhân tài hàng đầu để cạnh tranh trên toàn cầu”.
Do đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, Singapore đã cho thành lập Ủy ban Tuyển dụng Tài năng Singapore. Bởi theo ông Lý Quang Diệu, là người lãnh đạo cần phải có nhiều người tài. Không có tài, thì không thể lãnh đạo được.
“Lãnh đạo xấu sẽ đuổi người tốt, người giỏi, không cho họ được giữ những chức vụ quan trọng”, ông Lý Quang Diệu chia sẻ.
Để chiêu mộ được nhiều nhân tài ở nước ngoài, ông Lý Quang Diệu đã cho thi hành chính sách ưu đãi người tài đến Singapore làm việc. Ngoài việc được hưởng mức lương theo trình độ đóng góp, các nhân tài nước ngoài tới Singapore làm việc còn được định cư lâu dài, mang theo gia đình sang sinh sống và được nhập quốc tịch Singapore một cách dễ dàng.
Thậm chí, ông Lý Quang Diệu còn khẳng định, nếu một ngày nào đó, bộ máy chính quyền Singapore toàn là người có xuất xứ nước ngoài thì cũng không có gì quá ngạc nhiên.
Thực tế, những người đứng đầu đất nước Singapore hiện nay đều là những người rất giỏi. Bản thân ông Lý Quang Diệu, vị Thủ tướng đầu tiên của quốc đảo Singapore, từng tốt nghiệp ngành luật tại trường đại học danh tiếng Cambridge. Đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long đã tốt nghiệp trường Đại học Cambridge của Anh về ngành toán và vi tính. Sau đó, ông Lý Hiển Long còn tham gia học về ngành Hành chính công tại Đại học Harvard, Mỹ. Hàng ngũ Bộ trưởng Singapore cũng đều tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng tầm cỡ thế giới.
Giống như Mỹ và Trung Quốc, chính phủ Singapore tuyển chọn nhân tài dựa trên năng lực, khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà không phân biệt quốc tịch, chủng tộc của người nhập cư.
Tuy nhiên, Singapore cũng hạn chế đối tượng là lao động nước ngoài không có tay nghề bằng cách trả lương thấp, không được phép đưa người thân sang sống cùng. Những chi phí khác cho dịch xụ xã hội của lao động tay nghề thấp cũng cao hơn người bình thường.
Đối đãi với người tài, cựu Thủ tướng Singapore đã xây dựng hẳn một chính sách rõ ràng về việc trả lương cao cho các vị trí chủ chốt lãnh đạo đất nước. Cụ thể, các Bộ trưởng Singapore hiện có mức lương cao hơn tất cả các Bộ trưởng ở những nước giàu có trên thế giới. Chính sách trả lương cao đã giúp các Bộ trưởng Singapore yên tâm cống hiến, dành hết tâm huyết cho công việc quản lý hoạch định chính sách cũng như hạn chế nạn tham nhũng.