Cứu sống bệnh nhân suy hô hấp bằng kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo
Kỹ thuật ECMO được triển khai tại bệnh viện Bạch Mai có thể cứu sống nhiều bệnh nhân. |
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, giảm tiểu cầu vô căn, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài. Ngày 10/2, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, suy hô hấp được gia đình cho nhập viện. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân mắc viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, không thể đáp ứng với các phương pháp điều trị tích cực thông thường, có nguy cơ tử vong cao.
TS. Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Ngày 5/2/2015, bệnh nhân biểu hiện sốt, mệt mỏi, trên phim phổi có tổn thương ít. Tuy nhiên trên nền suy giảm miễn dịch nên diễn biến nhanh, mặc dù được điều trị kháng sinh tốt, thuốc tăng cường miễn dịch.
“Sau 4 ngày tình trạng nặng, suy hô hấp nhiều nên bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai. Khi vào khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng không đáp ứng với các biện pháp thở oxy, thở máy, chỉ số oxy máu của bệnh nhân là 45 (bình thường > 400) với oxy tối đa.
Tại đây, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã hội chẩn chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển mức độ nguy kịch, không đáp ứng với thở máy, ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, đái tháo đường” – TS Bình nói.
Theo TS Bình, điều đáng ngại là ngay sau đó bệnh diễn biến nặng với biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, các bác sĩ đã áp dụng tất cả các biện pháp hồi sức tiên tiến nhất nhưng không có kết quả. Ngay lập tức, lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực đã xin ý kiến hội chẩn toàn bệnh viện rồi đưa ra quyết định sử dụng “vũ khí cuối cùng”, đó là thực hiện kĩ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) thay thế tim phổi trong thời gian chờ sửa chữa, điều trị nguyên nhân.
Tuy nhiên, khi bắt tay tiến hành kỹ thuật này, các bác sĩ vấp phải khó khăn khi nhiều lúc oxy bệnh nhân xuống rất thấp < 10%. “ Chúng tôi phải chôn chân bên giường bệnh để điều chỉnh các thông số, điều chỉnh các biện pháp tốt nhất của thở máy để cầm cự cho đến khi hệ thống ECMO hoạt động.
Sau 3 giờ liên tục, hệ thống ECMO được hoạt động. Tia hi vọng cuối cùng của những người thầy thuốc đã được thắp lên nhưng đồng nghĩa với phía trước còn rất nhiều thách thức như những người làm “xiếc trên dây. Cuối cùng thì mọi nỗ lực cũng đã được đền đáp. ” – TS Bình kể lại.
ECMO là tên viết tắt của phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”. Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Phương pháp ECMO được áp dụng trong hai tình huống:
Thứ nhất là trong các bệnh lý của phổi mà khi đã được tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở ôxy, thở máy mà lượng ôxy máu vẫn thiếu (ví dụ như trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy hô hấp nặng do viêm phổi...).
Bệnh nhân Lượng ngày ra viện. |
Thứ hai là trong các bệnh lý của tim khiến tim bị suy giảm sức co bóp, huyết áp tụt không nâng lên được bằng truyền dịch và dùng thuốc co mạch cũng như thuốc làm tăng co bóp cơ tim (như trong viêm cơ tim cấp, sau cấp cứu ngừng tim, suy tim sau phẫu thuật tim...).
ECMO là kỹ thuật phức tạp, cần 1 ekip bác sĩ hết sức chuyên nghiệp để vận hành. Trước đây khi không có ECMO, bệnh nhân viêm phổi nặng, suy tim thường tử vong. Từ năm 2012, khi ứng dụng ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực, tỷ lệ tử vong đã giảm 70%.
Đối với những gia đình có người thân không may bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp như bệnh nhân Đỗ Thị Lượng thì ECMO chính là biện pháp cuối cùng, là tia hi vọng, là chiếc đũa thần mang họ trở về từ bàn tay tử thần. Sau 1 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển thuận lợi, bệnh nhân đã cai dần được và ngừng ECMO, chuyển về thở máy như bình thường, cuối cùng cai thở máy.