Cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng ở vùng Vịnh sẽ đi đâu về đâu?
Những công dân mang quốc tịch Qatar giờ đây sẽ phải chính thức rời khỏi các quốc gia láng giềng trong vòng hai tuần kể từ khi Doha bị các đồng minh và hàng xóm trong khu vực “đóng băng” ngoại giao. Ả Rập Xê Út, các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Ai Cập, Bahrain, Yemen và cả Maldives hôm nay (6/6) cũng tuyên bố sẽ cắt đứt các quan hệ với Qatar, một quốc gia có 2,4 triệu người, hầu hết là các lao động nước ngoài.
Trong khi đó, những người dân Qatar từ hôm qua đã bắt đầu đổ xô đi tích trữ lương thực và lo ngại về một cuộc sống dưới sự cô lập về ngoại giao, một viễn cảnh khó khăn đối với quốc gia giàu có như Qatar nhưng lại phụ thuộc chủ yếu vào thực phẩm nhập khẩu.
5 quốc gia ở khu vực Trung Đông đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Nguồn: CNN |
Chính quyền Qatar cho rằng những cáo buộc nước này “chống lưng” khủng bố và gây bất ổn trong khu vực là “vô căn cứ” và “thiếu công bằng”. Vậy nguồn cơn của cuộc khủng hoảng này là gì và Qatar sẽ phải giải quyết ra sao? CNN đã có bài phân tích về động thái mới nhất này tại Trung Đông.
Điều gì đã thay đổi?
Ả Rập Xê Út đã cắt đứt mọi liên hệ đường hàng không, đường biển và đất liền với Qatar. Các Tiểu vương quốc Ả Rập cũng đóng các sân bay và bến cảng trước những chuyến bay và tàu hàng từ Qatar. Etihad, Emirates, Fly Dubai và Gulf Air đã hủy tất cả các chuyến bay tới đến và đi khỏi Doha, thủ đô của Qatar. Trong khi đó, hãng hàng không Qatar cũng cho biết đang tạm dừng các chuyến bay tới Ả Rập Xê Út.
Các nhà ngoại giao Qatar đã được thông báo chuẩn bị rời khỏi các vị trí ở nước ngoài. Công dân Qatar sẽ có 14 ngày để rời Ả Rập Xê Út, Bahrain và UAE cũng như các quốc gia này cũng cấm công dân của họ đi tới Qatar.
Điều gì ẩn sau quyết định này?
Theo nhận định của CNN, đây là một vấn đề hết sức phức tạp. Các đồng minh vùng Vịnh đã nhiều lần chỉ trích Qatar vì cố tình hậu thuẫn cho lực lượng Anh em Hồi giáo, một nhóm Hồi giáo có tuổi đời gần 100 năm vốn bị Ả Rập Xê Út và UAE liệt vào danh sách khủng bố.
UAE cáo buộc Qatar “tài trợ tiền và cho lực lượng này trú ngụ” trong tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao đưa ra ngày hôm qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn còn là do Qatar có mối quan hệ quá gần gũi với Iran.
Ả Rập Xê Út và Iran đối đầu với nhau trong rất nhiều vấn đề của khu vực, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran mà Ả Rập cho rằng Tehran cố tình nâng cao tầm ảnh hưởng của mình, đặc biệt là ở Syria, Lebanon và Yemen.
Qatar và Iran cùng chia sẻ các mỏ gas tự nhiên ngầm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, gần đây báo cáo từ vùng Vịnh đã cáo buộc mối quan hệ này đã đi xa hơn việc hợp tác quản lý tài nguyên thông thường và các quan chức Qatar đã gặp gỡ với người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Sự việc này ảnh hưởng tới Qatar như thế nào?
Qatar là quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ và gas nhưng Doha không thực sự sản xuất được thực phẩm của riêng mình mà hầu hết đều nhập khẩu từ Ả Rập Xê Út. Giờ đây, khi các đường biên giới bị đóng cửa, giá lương thực có thể “lên tới trời”. Các nguồn tin cho hay người dân Qatar đã nhanh chóng đổ xô tới siêu thị “vét sạch” thực phẩm đề phòng trường hợp nguồn cung thiếu trầm trọng.
Người dân Qatar đổ xô đi mua lương thực dự trữ. Nguồn: Twitter |
Hãng hàng không Qatar là một hãng hàng không rất lớn của thế giới nhưng giờ đây cũng không được phép sử dụng không phận của các nước Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain và UAE. Điều này có nghĩa là các chuyến bay tới châu Phi và Bắc Mỹ có thể phải đi đường vòng, làm gia tăng chi phí nhiên liệu, thời gian bay và có thể là cả giá vé.
Tuy nhiên, Qatar cũng đã chuẩn bị cho mình một “tấm chắn” khổng lồ, đó là quỹ đầu tư quốc gia trị giá 300 tỷ USD được thành lập năm 2005, có thể giúp Doha điều tiết bất kỳ “đòn giáng” tài chính nào.
Ngoài ra, người dân Qatar lại là thiểu số trong chính đất nước của mình bởi đây là nhà của hơn hai triệu người nước ngoài, chủ yếu là các lao động đến từ Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Philippines.
Đại sứ Qatar ở UAE khuyên các công dân của mình trở về thông qua Kuwait hoặc Oman nếu họ không thể đáp các chuyến bay thẳng. Chính quyền Qatar cũng đề nghị trả tiền vé cho các công dân của mình nếu họ không có phương tiện gì để thanh toán.
Một số người sống tại các quốc gia khác trong vùng Vịnh cũng đang tìm cách để đến hoặc đi ra khỏi Doha. Rất nhiều gia đình sống ở Dubai và thường đi đi về về giữa Doha, bởi hai địa điểm này chỉ mất 45 phút cho một chuyến bay thẳng.
Sự việc này ảnh hưởng thế nào đến phần còn lại của thế giới?
Bất kể tình hình bất ổn nào ở Trung Đông cũng có xu hướng đẩy giá dầu lên cao và tất nhiên khi giá dầu tăng cao càng lâu thì càng ảnh hưởng nhiều tới “túi tiền” của người tiêu dùng. Cho đến nay, các thị trường gas và dầu vẫn đang ở trong ngưỡng kiểm soát được.
Tuy nhiên, Greg McKenna, nhà chiến lược thị trường của CFD & FX provider AxiTrader, cho rằng những gì xảy ra tiếp theo mới là điều cốt lõi. “Qatar là một trong những nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Quốc gia này có đường ống dẫn trong vùng Vịnh và có thể trả đũa bằng việc cắt nguồn cung cho các nước láng giềng. Đó là điều mà chúng ta cần phải chờ xem”, chuyên gia McKenna dự đoán.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này cũng khiến cho việc chuẩn bị tổ chức World Cup 2022 trở nên khó khăn khi Qatar là chủ nhà. Nếu bị hạn chế về quá trình di chuyển vẫn duy trì trong thời gian dài thì sẽ khiến cho các nguồn cung, những người lao động, thậm chí là người hâm mộ bóng đá cũng khó có thể đến và đi Qatar một cách tự do.
Sự việc này có ảnh hưởng tới Hoa Kỳ?
Theo CNN, Mỹ sẽ không chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các quốc gia vùng Vịnh là một lực lượng quan trọng trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, và Qatar là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid, một trong những trung tâm điều phối các nhiệm vụ không quân hàng ngày cũng như điều phối tất cả các hoạt động của không quân trong khu vực. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ, gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều cho biết cuộc khủng hoảng ngoại giao này sẽ không phá hỏng chiến dịch.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất tại Trung Đông lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình thế giới. Nguồn: CNN |
Ả Rập Xê Út và các đồng minh có bước đi mạnh mẽ chống lại Qatar sau khi nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị thượng đỉnh ngày 20-21/5 tại Ruyadh. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD với Ả Rập Xê Út và gửi một thông điệp tới các quốc gia vùng Vịnh rằng phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm soát những “người chơi” xấu trong khu vực.
Tuy nhiên, các quan chức và cả ông Trump cũng khen ngợi Qatar. Bộ trưởng Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã gặp gỡ những người đồng cấp Qatar hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Và tại Hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê Út, Tổng thống Mỹ cho biết mối quan hệ giữa Washington và Doha là “cực kỳ tốt”.
Qatar sẽ làm gì?
Ả Rập Xê Út và UAE giờ đây đang ở trong vị thế yêu cầu sự nhượng bộ từ Qatar để đổi lại việc khôi phục các quan hệ ngoại giao và kinh tế.
Các nhà phân tích cho rằng một trong những yêu cầu của hai nước này có thể là buộc Doha phải đóng kênh truyền hình Al Jazeera. Được thành lập hai thập kỷ trước ở Doha, Al Jazeera đã giúp tăng cường sự ảnh hưởng chính trị của Qatar bằng cách phát sóng các chương trình tiếng Ả Rập, được chiếu tới hàng triệu hộ gia đình ở khắp khu vực. Hãng truyền thông này cũng cho ra đời cả chương trình bằng tiếng Anh.
Sultan Al Qassemi, một nhà bình luận có tiếng trong khu vực, đã nhận định trên Twitter: “Hành động bày tỏ thiện chí đầu tiên của Hoàng thân Qatar có thể sẽ là đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera hoàn toàn. Điều này nên sớm diễn ra trong tháng tới, hoặc là trong một vài tuần tới”.
Theo Economist, Qatar là nhà tài trợ và sở hữu Al Jazeera, kênh truyền thông cho những người Ả Rập bất đồng chính kiến ở khắp nơi, trừ Qatar. Kênh truyền thông này đã góp phần thổi bùng ngọn lửa cách mạng và cuộc nổi dậy có vũ trang trong phong trào Mùa xuân Ả Rập.
Liệu Qatar có “hy sinh” Al Jazeera để làm dịu những mối quan hệ trong khu vực hay không?