Cuộc đua đến Đông Nam Á: Mỹ hay Trung sẽ "cán đích" trước?
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tuyên bố kế hoạch thiết lập một cộng đồng gắn kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an ninh và xã hội vào cuối năm 2015.
Một liên minh như vậy sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á chế độ hợp tác liên chính phủ để soạn thảo, áp dụng và hoàn thiện các chính sách chung cũng như các mục tiêu hành động. Điều đó sẽ giúp ASEAN chủ động thiết lập các kế hoạch trong tương lai, tiến tới hình thức hợp tác siêu quốc gia toàn diện.
Mỹ - Trung đang ra sức trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. |
Mục đích chính của những thay đổi trên là giúp cho ASEAN có điều kiện tốt hơn để đạt mục tiêu “vai trò trung tâm”, một thuật ngữ dùng để nhấn mạnh sự gắn kết nội bộ nhằm phát triển kinh tế và quản lý các mối quan hệ giữa liên minh với các đối tác bên ngoài.
Trung Quốc là một trong những đối tác đang có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng ASEAN bởi đất nước này là một cường quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương và mối quan hệ giữa Bắc Kinh với ASEAN đã phát triển đáng kể trong 25 năm qua.
Về mặt kinh tế, tác động tổng thể của Trung Quốc đối với ASEAN phần lớn được cho là tích cực. Từ khi Trung Quốc và ASEAN ký thỏa thuận hợp tác chiến lược vào năm 2003, các mối quan hệ tài chính, thương mại song phương giữa hai bên bùng nổ mạnh mẽ. Trong thập kỷ qua, dòng chảy hai chiều của các loại hàng hóa và dịch vụ đã tăng hơn sáu lần, đỉnh điểm lên tới 400 triệu USD vào năm 2013. Sự tăng trưởng và thịnh vượng của ASEAN cũng như Trung Quốc đã chứng minh rằng, các mối quan hệ hợp tác kinh tế đang mang lại lợi ích cho cả hai bên.
ASEAN đang tiến tới hội nhập toàn diện trên nhiều lĩnh vực. |
Tuy nhiên, lĩnh vực chính trị và an ninh không được khả quan như vậy do những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Cách hành xử của Bắc Kinh đang khiến nhiều nước Đông Nam Á muốn có được sự hỗ trợ quân sự và bảo đảm an ninh từ phía Mỹ.
TNI cho rằng, quyền lực mềm của Bắc Kinh cũng có tác động đến hội nhập văn hóa và xã hội của ASEAN mặc dù việc xác định mức độ ảnh hưởng đó không hề dễ dàng. Một mặt, cam kết phát triển hòa bình của Trung Quốc phù hợp với phương châm ổn định và đoàn kết của ASEAN. Tuy nhiên, mặt khác, cách hành xử của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ lại được cho là có tác động tiêu cực, gây chia rẽ ASEAN.
TNI cho rằng, để thành công, cộng đồng ASEAN cần sự ủng hộ đáng kể từ Mỹ. Washington có 3 lý do chính để hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng ASEAN. Thứ nhất, hội nhập kinh tế ASEAN sẽ giúp nâng cao các mối quan hệ thương mại song phương và đầu tư đang ngày càng phát triển giữa Mỹ và các nước thành viên ASEAN. Thứ hai, hợp tác an ninh đa phương sẽ góp phần to lớn trong việc đối đầu với các mối đe dọa an ninh. Thứ ba, một ASEAN hợp tác toàn diện có thể cân bằng Trung Quốc và Ấn Độ, đảm bảo việc giao thông thông suốt trên tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông.
Mỹ có thể giúp hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng ASEAN theo nhiều cách. Về kinh tế, Mỹ có thể khiến cho khu vực hội nhập sâu sắc hơn và củng cố tự do hóa thương mại với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trên mặt trận chính trị và an ninh, Mỹ có thể đề xuất cho ASEAN những kế hoạch nhằm tăng cường khả năng tương tác quân sự.
Tuy vậy, TNI khẳng định, mặc dù cả Trung Quốc và Mỹ đều có ảnh hưởng đối với quá trình hội nhập ASEAN, nhưng kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ASEAN. ASEAN có đoàn kết chặt chẽ, có đạt được vai trò trung tâm hay không vẫn là do nỗ lực của toàn bộ các nước thành viên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.