Cuộc đại chiến giữa máy bay tàng hình Mỹ và Trung Quốc đang đến gần?
Khác với những phiên bản J-31 trước đây, phiên bản mới này đã được cải tiến về nhiều mặt và bắt đầu có thể coi là một phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm. Có thể nói rằng, mặc dù bị Mỹ cáo buộc đã đánh cắp những dữ liệu từ chương trình máy bay F-35, không thể phủ nhận rằng Bắc Kinh đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chế tạo máy bay.
Mô hình máy bay J-31, còn có tên gọi khác là FC-31 Gyrfalcon. |
Hiện vẫn chưa rõ máy bay J-31 sẽ có vai trò như thế nào sau khi được đưa vào sử dụng, song Trung Quốc đã nghĩ đến việc xuất khẩu phi cơ này ra thế giới. Thật vậy, các quan chức Trung Quốc nói rằng họ hi vọng có thể cạnh tranh thị phần với F-35 trên thế giới.
“Tôi tin rằng máy bay này rất có triển vọng. Theo kinh nghiệm và những hiểu biết của tôi, giá thành của nó sẽ vào khoảng 70 triệu USD, bằng một nửa phi cơ Lockheed Martin F-35 Lightning II”, ông Fu Qianshao, một chuyên gia không quân của Trung Quốc cho biết. “Các phi cơ thế hệ thứ tư như Eurofighter Typhoon và Dassault Rafale đều có giá vào khoảng 100 triệu USD. Điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ có được phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm với giá thấp hơn các loại máy bay hiện đại khác”.
Theo một số giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), một trong những mục tiêu mà hãng đặt ra đó là J-31 phải “chấm dứt sự thống trị của một số nước trong thị trường máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm”. Tuy nhiên, việc qua mặt máy bay F-35 của Mỹ vẫn còn rất khó. Hiện tại, hãng Lockheed Martin là tập đoàn quốc phòng duy nhất đã chế tạo thành công không chỉ một, mà là hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là F-35 và F-22.
Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều trở ngại để đạt được mục đích của mình. Mặc dù đã bắt kịp các cường quốc quân sự thế giới trong việc phát triển hệ thống rađa quét mạng pha chủ động, thiết bị gây nhiễu điện tử, hệ thống xác định mục tiêu bằng tia hồng ngoại và nhiều công nghệ khác, Trung Quốc vẫn thua Mỹ và Nga về mặt chế tạo động cơ phản lực. Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu của nền công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Hiện tại, J-31 được cho là được vận hành bởi hai động cơ Klimov RD-93 do Nga sản xuất, có khả năng tạo ra lực đẩy hơn 8.100kg khi hoạt động hết công suất. Trung Quốc hi vọng sẽ sớm thay thế động cơ này bằng hai động cơ WS-13E do chính họ sản xuất, tạo lực đẩy gần 10.000kg.Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ khi nào động cơ này sẽ được hoàn tất.
Máy bay J-31 trong một lần bay thử nghiệm. |
Trung Quốc tin rằng với loại động cơ do họ chế tạo, J-31 sẽ vượt trội hơn F-35. “Xét trên nhiều phương diện, nó không hề thua kém F-35 của Mỹ”, ông Lin Zuoming, chủ tịch của AVIC phát biểu vào năm 2012. “Nếu được lắp đặt hai động cơ do chúng tôi mới chế tạo, khả năng của nó sẽ vượt hơn phi cơ Mỹ”.
Nếu không có động cơ WS-13E, Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc vào các động cơ của Nga để trang bị cho J-31. Là một trong những đối thủ cạnh tranh, rất có thể Nga sẽ ngăn Trung Quốc xuất khẩu J-31 ra một số thị trường mà Mỹ không thể tiếp cận.