Cuộc chiến nào đang chờ đón Mỹ - Nga - Trung?
Trang tin Al Arabiya của Ả Rập nhận định chiến lược an ninh quốc gia được Mỹ công bố hồi tháng 12/2017 đã cho thấy sự cạnh tranh giữa tầm quan trọng của các mối quan hệ quốc tế với cán cân sức mạnh chính sách quốc tế.
Cả Quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc hiện đều có chung mối quan tâm về hoạt động quân sự của Nga ở khu vực phía đông và nam Địa Trung Hải. Trước đó, nhiều quan chức Mỹ cho rằng, Nga chỉ là một sức mạnh bên lề và các hoạt động quân sự cũng như chính trị ở Trung Đông được Nga thi hành với vai trò là một nhà hòa giải.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội. |
Sự trỗi dậy của nước Nga
Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi năm 2014 và quyết định triển khai chiến dịch quân sự tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria vào năm 2015, điện Kremlin rõ ràng muốn mở rộng tầm hoạt động vượt ngoài lãnh thổ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, theo Al Arabiya, một trật tự thế giới mới sẽ chưa thể thành hình và trật tự thế giới hiện tại cũng chưa thể bị thay đổi chừng nào cuộc chiến ở Syria chưa tới hồi kết.
Trong Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc và Nga được xem là những lực lượng cạnh tranh gay gắt với Mỹ. Trong khi đó, chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama lại dường như không có bất cứ động thái nào ngăn chặn Nga và Trung Quốc trở thành những sức mạnh có khả năng đối đầu với các chính sách của Mỹ.
Trong những năm gần đây, Moscow đã mở rộng mối quan hệ liên minh và mở cửa đối với chính sách đối ngoại cũng như hoạt động quân sự đồng thời chấp nhận học thuyết an ninh tập thể với các đối tác để làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ. Hành động của Nga đã tạo ra sự thay đổi và trỗi dậy của khu vực Á – Âu.
Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Nga xuất hiện cả ở những quốc gia từng là trụ cột và đồng minh lớn của Mỹ trong những vấn đề mang tính quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Cụ thể, tầm ảnh hưởng của Nga được thể hiện thông qua các thương vụ mua bán vũ khí chiến lược tối tân.
Theo các nhà phân tích, hoạt động chuyển giao quân sự giữa Nga và một số nước chứa đựng nhiều hàm ý.
Thứ nhất, Nga muốn thông qua quân sự còn Trung Quốc thông qua tầm ảnh hưởng kinh tế để quyết định luật chơi trên trường quốc tế trong bối cảnh Mỹ vẫn giữ vai trò dẫn dắt thế giới. Thứ hai, Nga và Trung Quốc cùng hợp lực phản đối Mỹ trước nhiều vấn đề tại Iran, Syria và Triều Tiên.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã cho công bố một bản báo cáo đề nghị Quốc hội nước này yêu cầu Lầu Năm Góc chuẩn bị kế hoạch quân sự cho năm 2018 mà cụ thể là cho phép Mỹ tấn công Nga và Trung Quốc bằng bom hạt nhân để hai nước này không có cơ hội phản công.
Đặc nhiệm Mỹ tại Syria. |
Viễn cảnh xung đột năm 2018
Những cuộc thảo luận liên miên về thỏa thuận thiết lập vùng hạ nhiệt căng thẳng ở Syria và nguy cơ bùng nổ những cuộc chiến không có hồi kết xuất phát từ các cuộc biểu tình ở Iran hay các vụ đánh bom ở thành phố Saint Petersburg của Nga trong năm 2017 cùng tình hình quân sự ngày càng phức tạp ở Syria chắc chắn sẽ khiến vấn đề an ninh thế giới năm 2018 không ít lần rơi vào sóng gió.
Đặc biệt, trong năm nay, Nga sẽ tổ chức hai sự kiện lớn là bầu cử Tổng thống vào tháng Ba và tổ chức World Cup vào mùa hè. Những sự kiện này có thể ảnh hưởng tới phản ứng của Nga trước những diễn biến ở Syria và Iran hay các khu vực biên giới nằm sát Afghanistan và Trung Á. Nói cách khác, Mỹ có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng sức ép với Moscow.
Nhiều khả năng Washington sẽ tăng cường can thiệp vào các sự kiện diễn ra ở Iran nhằm đạt được mục tiêu là ngăn chặn Nga và Trung Quốc biến hệ thống thế giới hiện thời thành một trật tự đa cực. Còn hiện tại, mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Trung Quốc và Iran trong lĩnh vực năng lượng và an ninh cùng tình hình an ninh bất ổn ở Afghanistan có thể gây ảnh hưởng lớn tới chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng chiến lược của Iran ở Trung Đông tác động lớn tới sự hiện diện quân sự của Nga ở phía đông Địa Trung Hải. An ninh ở Iran, Iraq và Syria còn đảm bảo an toàn cho quân đội Nga hoạt động ở vùng Caspi, khu vực nằm gần Trung Đông. Đây chính là lý do Mỹ xếp Iran vào danh sách các mối đe dọa cùng với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Al Arabiya kết luận nếu cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Nga bắt nguồn từ chuỗi sự kiện bất ổn liên miên ở Iran, Ukraine, các nước Baltic và Triều Tiên, thế giới sẽ chứng kiến hàng loạt sự kiện đối đầu giữa Washington với Moscow và Bắc Kinh trong năm 2018. Sự cạnh tranh giữa Mỹ - Nga - Trung sẽ ảnh hưởng tới vị thế chính trị của 3 nước này cũng như số phận của hàng loạt vấn đề mang tính quốc tế.