Cuộc chiến chống IS ở Marawi đang giúp Mỹ - Philippines "hâm nóng tình xưa"?
"Một thực tế mà tôi không thể phủ nhận là binh sĩ Philippines đang thực sự ủng hộ Mỹ", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu ngay sau khi xuất hiện thông tin lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ cho các binh sĩ Philippines chiến đấu và tiêu diệt các nhóm nổi dậy có mối liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Marawi.
Cũng theo ông Duterte, khả năng các tướng quân đội Philippines đã đơn phương quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ dù trước đó, ông này từng tuyên bố "Tôi không bao giờ đến gần một người Mỹ nào".
Lính thủy đánh bộ Philippines được huy động tham gia cuộc chiến chống quân nổi dậy ở Marawi. |
Kể từ khi trở thành Tổng thống Philippines cách đây một năm, ông Dutert đã nhiều lần nhấn mạnh chấm dứt sự phụ thuộc của Manila với Washington bằng việc thi hành một chính sách đối ngoại độc lập.
Hồi tháng trước, ông Duterte cho biết sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh và Moscow để hiện thực hóa tham vọng ký kết các thỏa thuận kinh tế và quốc phòng. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở thành phố Marawi trên đảo Mindanao đã buộc quân đội Philippines quay trở về với đồng minh lâu năm là Mỹ bởi Mỹ có thể hỗ trợ ngay lập tức và quy mô lớn cho cuộc chiến chống khủng bố của Philippines.
Không giống Nga và Trung Quốc, Mỹ là đồng minh lâu đời và có thời gian dài phối hợp hành động với quân đội Philippines cũng như tiếp cận các cơ sở quân sự ở Philippines. Hợp tác an ninh giữa Mỹ và Philippines được quy định trong hàng loạt thỏa thuận pháp lý như Hiệp ước Các lực lượng ghé thăm, Hiệp ước Hợp tác quốc phòng tăng cường và Hiệp ước Quốc phòng song phương Mỹ - Philippines.
Theo hiến pháp Philippines, các lực lượng quân sự nước ngoài sẽ không được phép thành lập căn cứ quân sự thường trực hoặc tham gia các sứ mệnh chiến đấu trực tiếp tại quốc gia này. Tuy nhiên, các lực lượng quân sự nước ngoài có thể hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, tình báo và cùng phối hợp điều hành các hoạt động phức tạp tiêu diệt phiến quân.
Trong chương trình hỗ trợ quân sự trị giá 150 triệu USD, Mỹ cũng đã cung cấp lô súng trường, súng phóng lựu và súng máy nhằm giúp quân đội Philippines tăng cường khả năng chống khủng bố trong bối cảnh xung đột trên đảo Mindanao bùng phát.
Bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng này, khi được hỏi về sự quy mô tham gia của quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Marawi, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huyThái Bình Dương của Mỹ cho hay: "Chúng tôi tham gia các hoạt động ở Mindanao để giúp các lực lượng vũ trang Philippines tiêu diệt IS ở Philippines. Đây cũng là hành động chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines".
Trong những tuần qua, quân đội Philippines đã chiến đấu để đẩy lùi lực lượng nổi dậy thân IS ở Marawi, thành phố có đông người dân theo đạo Hồi nhất ở quốc gia này. Con số thương vong vẫn tiếp tục gia tăng sau khi có thông tin 290 người được cho đã thiệt mạng bao gồm 58 binh sĩ và 26 dân thường.
Dù đã tiến hành hàng loạt cuộc điều động quân đội quy mô lớn cũng như càn quét nhiều vị trí của quân nổi dậy song quân chính phủ Philippines vẫn chưa thể giành toàn bộ quyền kiểm soát thành phố Marawi. Số lượng lớn người dân Marawi buộc phải đi sơ tán khỏi vùng chiến sự cũng đang làm gia tăng sức ép đối với các khu tị nạn.
Với kinh nghiệm chiến đấu tại những chiến trường mở và rừng rậm, quân đội Philippines vẫn đang cố gắng tiêu diệt toàn bộ lực lượng nổi dậy ở Marawi. Hồi năm 2013, quân đội Philippines đã mất hơn 2 tuần để giải phóng Zamboanga khỏi sự kiểm soát của một nhóm nổi dậy. Còn hiện tại, quân đội Philippines đang chiến đấu với nhóm Maute, một lực lượng có đông đảo sự tham gia của các tay súng nước ngoài và có mối liên hệ với IS. Maute hiện đang nắm quyền kiểm soát nhiều vị trí chủ chốt ở Marawi bằng cách đặt thuốc nổ và dùng lính bắn tỉa.
Để tập trung cho cuộc chiến tiêu diệt Maute, Tổng thống Duterte đã ban bố thiết quân luật trên toàn bộ đảo Mindanao. Hành động này sẽ giúp các lực lượng an ninh có thêm quyền tiêu diệt những đối tượng bị tình nghi là quân nổi dậy và khủng bố.
Theo học giả Richard Heydarian ở Manila, sau những tranh cãi về vấn đề nhân quyền liên quan tới cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte, tình hình xung đột ở Marawi đang giúp Mỹ và Philippines nối lại quan hệ ngoại giao và quân sự sau một thời gian rơi vào khủng hoảng.