Cúm H7N9 không dễ lây như SARS
Năm 2003, dịch SARS bùng phát trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng của 800 người |
Trong cuộc trả lời phóng vấn trên điện thoại với Thời báo Hoàn Cầu hôm 9/4, chuyên gia dịch tễ học Zeng Guang tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho rằng: "Khả năng con người lây nhiễm virus H7N9 chỉ cao hơn một chút so với virus H5N1".
Theo ông Zeng, sau khi so sánh trình tự gene của virus H7N9 trong các ca nhiễm bệnh, giới chuyên gia không phát hiện bất cứ trường hợp virus đột biến.
Tuy nhiên, trong cuộc họp giữa Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 8/4, Shu Yaolong – phó giám đốc Viện Ngăn ngừa và Kiểm soát bệnh tật do virus quốc gia trực thuộc CDC thông báo virus cúm H7N9 liên tục biến đổi và không thể dự đoán trước chuỗi biến đổi của virus này.
Cho tới ngày hôm qua (9/4) đã có thêm 2 ca tử vong do nhiễm virus H7N9, nâng tổng số người chết lên con số 9. Trong đó, giới chức y tế tỉnh Giang Tô cho biết bệnh nhân 83 tuổi tại thành phố Tô Châu được xác định nhiễm virus H7N9 hôm 2/4 và qua đời chiều ngày 9/4 sau thời gian điều trị tích cực. Ngoài ra, một bệnh nhân sinh sống tại tỉnh An Huy cũng đã tử vong vào ngày hôm qua sau thời gian điều trị tại bệnh viện thành phố Nam Kinh.
Trong khi đó, tại tỉnh Chiết Giang, sở y tế địa phương đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh mới gồm một bệnh nhân 79 tuổi đang trong tình trạng hết sức nguy kịch và bệnh nhân thứ 2 (51 tuổi) đã trong tình ổn định mặc dù có những triệu chứng phát bệnh nặng.
Thượng Hải – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch cúm H7N9 cũng thông báo thêm 2 ca nhiễm virus H7N9 hôm 9/4 gồm 2 bệnh nhân 62 và 77 tuổi nhưng đã được cứu chữa kịp thời và sức khỏe hiện đã ổn định. Ngoài ra, 10 người từng tiếp xúc với 2 bệnh nhân trên cũng đã được đưa ra vào diện kiểm soát y tế chặt chẽ song chưa có dấu hiệu mắc bệnh.
Tổng số ca nhiễm virus H7N9 hiện nay tại Trung Quốc đã lên tới 28 người, sinh sống tại thành phố Thượng Hải và 9 thành phố khác tại khu vực phía đông Trung Quốc gồm tỉnh An Huy, Chiết Giang và Giang Tô.
"Các ca nhiễm bệnh nằm rải rác tại nhiều khu vực song số ca nhiễm gần đây đã giảm dần. Điều đó cho thấy khả năng con người nhiễm virus H7N9 là thấp", ông Zeng nói.
Một số bệnh nhân nhiễm virus do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống và virus H7N9 cũng được phát hiện trên chim bồ câu, gà và chim cút tại Thượng Hải và Chiết Giang.
Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, chính quyền thành phố Thượng Hải đã cho tiêu hủy 111.000 con gia cầm và nhiều khu chợ phải đóng cửa do lệnh cấm buôn bán gia cầm sống.
Tại thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô, nhiều căng-tin trường học đã không đưa món gà và vịt vào thực đơn cho học sinh. Hãng hàng không Xiamen cũng loại các món ăn làm từ thịt gia cầm phục vụ cho hành khách bay nội địa.
Theo thông tin đăng tải trên Nhân dân nhật báo hôm 9/4, kết quả phân tích ban đầu cho thấy virus cúm H7N9 không có khả năng tạo thành dịch bệnh trong đàn gia cầm. Trong 738 mẫu thu thập tại 3 khu chợ buôn bán gia cầm sống tại Thượng Hải, chỉ 20 mẫu bị nhiễm virus H7N9 với 10 mẫu trên gà, 3 mẫu từ chim bồ câu và 7 mẫu từ môi trường. Do đó, việc sử dụng các sản phẩm gia cầm được phân phối trên các kênh chính thức như siêu thị vẫn an toàn đặc biệt khi được nấu chín.
Gia đình bệnh nhân Wu Liangliang (27 tuổi) tại Thượng Hải – 1 trong 2 bệnh nhân tử vong đầu tiên do nhiễm virus cúm H7N9 tại Trung Quốc, đã nhận được khoản bồi thường 1,07 triệu Nhân dân tệ (172.500 USD) từ phía bệnh viện điều trị.