Công nhân Hàn Quốc biểu tình yêu cầu tái khởi động Kaesong
Hơn 120 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu công nghiệp chung Kaesong |
Tình hình căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã khiến khu công nghiệp chung Kaesong – biểu tượng một thời cho tinh thần đoàn kết giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đóng cửa ngừng hoạt động, đẩy 53.000 công nhân Triều Tiên mất việc làm và hơn 120 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại đây lâm vào cảnh điêu đứng.
Hôm 30/5, khoảng 250 người bao gồm cả các chủ doanh nghiệp và công nhân đã tụ tập tại thị trấn biên giới Hàn Quốc – Paju nằm ngay gần cây cầu nối liền 2 miền Triều Tiên, yêu cầu tái khởi động mọi hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp chung Kaesong.
"Khu công nghiệp chung Kaesong là nền tảng của cuộc sống mang lại hạnh phúc cho chúng tôi nhưng giờ nó đã biến mất. Ai sẽ làm việc thay cho chúng tôi? Ai khiến chúng tôi thất vọng? Chúng tôi muốn bình thường hóa vô điều kiện khu công nghiệp chung Kaesong. Các công nhân tại Kaesong muốn quay trở lại làm việc", Lee Im-dong – một chủ doanh nghiệp tại Kaesong nói.
Thậm chí, các công nhân Hàn Quốc còn lên kế hoạch tổ chức một cuộc mít tinh ngay trên cây cầu nối liền 2 miền Triều Tiên song đã bị cảnh sát ngăn chặn.
Chính tình hình căng thẳng quân sự leo thang tới mức đỉnh điểm đã khiến khu công nghiệp chung Kaesong chính thức bị đóng cửa hồi tháng Tư. Sau thời gian bị đóng cửa, các chủ doanh nghiệp và công nhân Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho phép họ tới thăm khu công nghiệp nhưng đã không nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng và tất cả buộc phải quay trở về nhà.
Gần đây, Triều Tiên thông báo các doanh nhân Hàn Quốc có thể quay trở lại khu công nghiệp chung này. Trong một tuyên bố được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải hôm 28/5, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các mối quan hệ với Seoul cho biết Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đàm phán về việc tái mở cửa khu công nghiệp chung Kaesong nếu các chủ doanh nghiệp tới đây.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã yêu cầu Triều Tiên tiến hành các cuộc đối thoại cấp chính phủ chứ không phải với người dân và không đưa ra thêm bất cứ lời bình luận nào.
Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lên tới đỉnh điểm khi Liên Hiệp Quốc phê chuẩn áp đặt lệnh trừng phạt tăng cường với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng Hai - tạo nên một trong những thời kỳ khủng hoảng u tối nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau Cuộc nội chiến năm 1953.