Công an điều tra vụ nhà giàu nhận tiền hỗ trợ, người nghèo 'mất suất' ở Đắk Lắk
Công an tỉnh Đắk Lắk và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc, xác minh thông tin người nghèo “mất suất” tiền hỗ trợ Covid-19 tại xã Cư Elang, huyện EaKar mà báo chí đã phản ánh.
Ngày 14/9, tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi nắm được thông tin báo chí phản ánh việc thực hiện chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (tiền hỗ trợ Covid-19) tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar có những dấu hiệu bất thường, lực lượng công an đã vào cuộc, xác minh.
Liên quan đến vụ việc, ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện đơn vị đã ra quyết định thành lập 2 tổ công tác, tiến hành kiểm tra, rà soát các quy trình xét duyệt, chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 tại xã Cư Elang (huyện Ea Kar) theo nội dung báo chí phản ánh và xã Ea Pil (huyện Ma Đ’rắk) do người dân có đơn thư.
Có nhà 2 tầng nhưng hộ dân ở thôn 1, xã Ea Sô vẫn được công nhận hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Theo ông Hùng, nếu phát hiện việc cấp xã, huyện chi tiền sai đối tượng, đơn vị sẽ thu hồi để nộp ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp có tham ô, tham nhũng tiền hỗ trợ Covid-19, đơn vị sẽ đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm để không gây mất niềm tin trong nhân dân.
Trước đó, sau khi Infonet đăng tải bài viết: “Ảnh hưởng Covid-19 ở Đắk Lắk, nhà giàu nhận tiền hỗ trợ, người nghèo 'mất suất”, bạn đọc tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar tiếp tục phản ánh, chỉ rõ nhiều trường hợp để minh chứng cho sự “mập mờ” của chính quyền địa phương trong việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19.
Anh Lò Văn Nhuận (thôn 6B, xã Cư Elang) cho hay gia đình anh thuộc diện hộ nghèo năm 2019 (năm 2020 chưa gia hạn hộ nghèo hay cận nghèo). Bản thân anh Nhuận là người không biết đọc, chỉ biết viết mỗi họ tên mình.
Căn nhà lụp xụp của anh Nhuận. |
Khi cán bộ thôn, xã đến nhà vận động “nhường” tiền cho hộ khác khó khăn, anh Nhuận vui vẻ ký vào vì nghĩ đó là việc tốt mình cần làm. Thế nhưng, khi biết nhiều hộ trong thôn có nhà đẹp, có điều kiện hơn mình được nhận tiền hỗ trợ, anh không khỏi bức xúc. “Cán bộ vận động gia đình tôi sống trong nhà gỗ, mái ngói tạm bợ nhường cho người nghèo. Thế nhưng, cuối cùng có hộ xây nhà cả 500 triệu đồng vẫn được nhận là rất vô lý”, anh Nhuận phản ánh.
Chị Hoàng Thị Gái (thôn 2, xã Cư Elang) thì thắc mắc không hiểu sao gia đình mình chẳng được nhận tiền hỗ trợ Covid-19 dù thuộc diện hộ nghèo năm 2019, hộ cận nghèo năm 2020.
Theo quan sát của PV, gia đình chị Gái sống trong một căn nhà tạm lợp tôn, một bên dựa vào tường nhà người khác. Trong nhà chị chẳng có thứ gì đáng giá, các con của chị Gái phải học trên giường vì nhà không có bàn học.
Căn nhà tồi tàn của chị Hoàng Thị Gái thôn 2 xã Cư Elang. |
Chị Gái cho biết, gia đình chị có 5 nhân khẩu, mỗi ngày chị đi làm thuê được 150 ngàn đồng để trang trải cuộc sống, nuôi 3 con (từ 9-16 tuổi) ăn học. Hiện chồng chị đã về quê nên gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai chị. “Tôi mong chính quyền xem xét lại để chi tiền hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách công bằng, không bỏ lọt trường hợp như gia đình tôi”, chị Gái nói.
Nhà 2 tầng vẫn thuộc diện… cận nghèo
Theo tìm hiểu của PV, việc chi trả hỗ trợ tiền Covid-19 “mập mờ” không chỉ xảy ra ở xã Cư Elang mà còn xảy ra ở xã Ea Sô (cùng huyện Eakar).
Người dân tại thôn 1, xã Ea Sô cho rằng, trong thôn có nhiều hộ nhà đẹp, khang trang, thậm chí có hộ xây nhà 2 tầng nhưng vẫn thuộc diện cận nghèo, vẫn nghiễm nhiên nhận tiền hỗ trợ Covid-19.
Theo người dân, hộ ông Nguyễn Văn Mạnh (thôn 1, xã Ea Sô) là gia đình có nhà 2 tầng, điều kiện kinh tế tương đối tốt nhưng vẫn thuộc diện cận nghèo, được phê duyệt nhận 4,5 triệu đồng. Gia đình ông Lê Văn Huy được phê duyệt nhận 4,5 triệu đồng. Hộ bà Đỗ Thị Thanh Thủy (thôn trưởng thôn 1) được phê duyệt nhận 3,75 triệu đồng.
Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Thanh Thủy (trưởng thôn 1) thôn tin, cả 3 gia đình trên đều có con đi học Cao đẳng, Đại học nên được đưa vào hộ cận nghèo để có ưu tiên vay vốn. Việc bình xét các hộ trên vào diện cận nghèo đã được thông qua ý kiến của người dân trong thôn. Trước đây, bà con không ý kiến gì. Tuy nhiên, năm nay có tiền hỗ trợ Covid-19 nên đã có người ý kiến.
Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Ea Sô thì khẳng định việc xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã được thực hiện rất chặt chẽ; địa phương xét duyệt dựa trên hoàn cảnh thực tế, không có ưu tiên cho bất kỳ hộ nào, kể cả hộ có con đi học đại học. Về những trường hợp mà PV phản ánh tại thôn 1, ông Hữu cho biết sẽ cử cán bộ xác minh, làm rõ.
Theo ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt hơn 281 tỷ đồng tiền hỗ trợ Covid-19 cho 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Đến nay, các địa phương đã thực hiện chi trả gần 265 tỷ đồng (94,3%) cho người dân. Còn lại khoảng 21.278 người, tương đương số tiền gần 16 tỷ đồng chưa chi trả.
Cũng theo ông Hùng, Đắk Lắk là địa phương có đối tượng hộ nghèo, cận nghèo lớn. Trong đó, số lượng dân di cư ngoài kế hoạch cũng nhiều nên công tác rà soát, thực hiện chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt, có trường hợp người dân tạm trú tại địa phương trong thời gian dài, được công nhận là hộ nghèo, cận nghèo nhưng chưa có sổ hộ khẩu.
Ông Hùng trao đổi: “Những trường hợp được công nhận là hộ nghèo, cận nghèo nhưng chưa có sổ hộ khẩu, các địa phương đang rà soát lại để tránh nhận trùng với nơi khác”.
Trần Nhân