“Cơn mưa tên lửa” trút xuống căn cứ Hmeymim của Nga, quân đội Syria hứng đòn ác liệt
RT đưa tin theo Bộ Quốc phòng Nga trong tổng số 17 quả tên lửa được phiến quân Al-Nusra phóng về căn cứ Hmeymim, 9 tên lửa đã bị hệ thống phòng không của quân đội Nga bắn hạ, còn 8 quả bị rơi xuống đất trước khi kịp lại gần căn cứ của Nga. Vụ tấn công này được lực lượng khủng bố hoạt động ở tỉnh Idlib tiến hành bằng các hệ thống phóng rocket đa nòng.
Căn cứkhông quân Hmeymim của Nga bị 17 quả tên lửa tấn công, giữa lúc quân đội Syria hứng trận phản công ác liệt. |
Cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Hmeymim diễn ra đúng thời điểm quân đội Syria phải hứng chịu đợt phản công quy mô lớn từ phía nhóm khủng bố Hayat Tahrir ash-Sham hay còn gọi là Mặt trận Al-Nusra, một mạng lưới của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Theo RT, vào sáng ngày 22/5, đợt phản công của phiến quân Hayat Tahrir ash-Sham có sự tham gia của hơn 500 tay súng, 7 xe tăng, 4 xe bọc thép chở quân và 30 xe tải lắp súng máy cùng hai xe chất đầy thuốc nổ được những kẻ đánh bom liều chết điều khiển.
Ngoài ra, nhóm Hayat Tahrir ash-Sham còn nhận được sự hậu thuẫn của 200 tay súng khác cùng dàn vũ khí tấn công lực lượng quân chính phủ Syria từ nhiều hướng khác nhau.
Tuy nhiên, đợt phản công của lực lượng phiến quân đã bị quân đội Syria đập tan. Cụ thể, quân đội Syria đã tiêu diệt được 150 tay súng khủng bố, phá hủy 3 xe tăng cùng 24 xe tải lắp súng máy.
Lâu nay, căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria trở thành mục tiêu tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái mang theo thuốc nổ của các nhóm khủng bố Syria. Song chưa vụ tấn công nào nhằm vào căn cứ Hmeymim của Nga thành công.
Quân đội Ngacũng đưa ra cảnh báo những công nghệ quân sự hiện đại mà các nhóm phiến quân Syria đang nắm trong tay có thể được dùng để tấn công những mục tiêu được bảo vệ lỏng lẻo hơn hoặc các mục tiêu ở nước ngoài.
Trong khi đó, hôm 21/5, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng khẳng định “Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nhanh chóng và đáp trả thích đáng” sau cáo buộc quân đội Syria mới sử dụng vũ khí hóa học tấn công khu vực Idlib. Trên thực tế, Mỹ thừa nhận vẫn còn rất ít bằng chứng để khẳng định quân đội Syria dùng vũ khí hóa học.
Còn quân đội Nga cho rằng, nhóm phiến quân Hayat Tahrir ash-Sham đã cho thành lập một "đơn vị hóa học đặc biệt" chuyên dàn dựng các vụ tấn công hóa học ở Idlib và sau đó đổ lỗi cho chính phủ Syria.