Đầu tháng nhận 12 thiệp cưới, nữ công nhân méo mặt tính 'đám đi, đám gửi'
Mùa cưới về, bên cạnh niềm vui kết đôi của các cặp cô dâu chú rể cũng là lúc những người như chị Dương (ngoại thành Hà Nội) “gồng mình” xoay xở tiền mừng.
Đau đầu tính toán “đám nào đi đám nào gửi”
“Mới đầu tháng 10 (âm lịch), gia đình tôi đã nhận được 12 thiệp mời cưới. Tất cả đều là của họ hàng thân thích, anh em cùng làng cùng xóm. Chồng sợ tôi bận việc quên lịch nên liệt kê ra tờ giấy rồi treo lên cuốn lịch ở cửa ra vào. Đi đám nào, gửi đám nào cũng phải tính cả đấy”, chị Dương kể.
Cuối năm, công việc ở chỗ làm thuê bận cả ngày lẫn đêm, chị Dương xin nghỉ nhiều cũng ngại với chủ nhưng việc hiếu việc hỷ không thể trì hoãn.
Chỉ tay qua tờ lịch, chị Dương nói tiếp: “Hầu như những ngày đẹp đều có 3 đến 4 đám cưới. Tôi vừa phải xin nghỉ làm vừa phải chạy xô các đám. Đều là người thân quen, cùng làng không đi không được”.
Như ngày mùng 8-9 âm lịch, chị nhận được lời mời dự 4 đám cưới. Trong đó có 1 đám anh em bên chồng, 1 đám anh em bên ngoại. “Toàn chỗ người nhà phải đi 2 ngày, vợ chồng tôi phải chia nhau mỗi người phụ trách 1 đám đấy. Hai đám còn lại tôi đành tranh thủ chạy ra gửi quà mừng rồi về, chắc họ cũng thông cảm thôi”.
Chị Dương tâm sự, mỗi đám cưới người quen “bình thường” chị bỏ phong bì 200 - 300.000 đồng, người thân hơn thì 500.000 đồng, có những đám phải mừng 1 triệu đồng.
Anh Hoàng chồng chị sức khỏe yếu nên hầu hết các việc đối ngoại, chị Dương là người tham gia. “Bình thường chỉ có tôi đi ăn cỗ cưới thôi vì anh xã đi lại hạn chế, có muốn làm giúp đám cưới cũng không đi được”.
Trong những đám cưới sắp tới có con bạn thân của chồng chị Dương. Gia đình họ thường xuyên giúp đỡ gia đình chị những lúc khó khăn. Vậy là chị Dương sẽ phải xin nghỉ làm 2 ngày.
Gồng mình lo tiền mừng cưới
Vợ chồng chị Dương có 3 người con, 1 cháu học đại học, 1 cháu học cấp 3 và 1 cháu đang học lớp 9 trường làng. Đã nhiều năm nay, chị là lao động chính trong gia đình vì chồng chị sức khỏe yếu, chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước giúp vợ.
Lo gánh nặng cơm áo gạo tiền, chị Dương đi làm công nhân cho một xưởng mộc. Dù công việc nặng nhọc nhưng chị vẫn làm việc quần quật, thường xuyên tăng ca để có thêm thu nhập, đảm bảo tiền sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Có những tháng chị làm tới 38-39 ngày công. Mỗi công được chủ trả 500.000 đồng.
“Phải tranh thủ làm mới có tiền đóng học cho con, tiền thuốc cho chồng chứ. May cháu lớn đi làm thêm nên tôi bớt phải lo 1 khoản. Nhưng cứ tới cuối năm tôi lại 'sấp mặt' vì đám cưới”, chị Dương cười nói.
“Đi ăn cưới đồng nghĩa với việc tôi còn phải nghỉ làm. Thế nghĩa là 1 đám cưới trung bình tôi ‘thiệt hại’ 1 triệu đồng. Đấy là tôi nói vui, chứ tình làng nghĩa xóm, không ai tính toán vậy cả”.
Cười nói vui vẻ như vậy, nhưng hằn sâu trong đôi mắt của người phụ nữ 42 tuổi ấy vẫn tràn ngập nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chị đã phải xin chủ cho ứng trước tiền lương tháng 11 để có tiền chi tiêu và mừng đám cưới. “Từ giờ tới Tết là còn được đi ăn cỗ nhiều lắm”, chị cười như mếu.
Tiết thu dịu mát báo hiệu mùa cưới đang rộn ràng. Đôi lứa hân hoan chụp ảnh cưới, trang trí nhà cửa, mời khách… Trong niềm vui kết đôi, mùa cưới mang đến biết bao câu chuyện cảm động nhưng cũng không ít chuyện dở khóc dở cười. VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện mùa cưới với những chia sẻ của người trong cuộc. |