Cổ phiếu ngân hàng đang đà trượt dốc
Tính từ đầu tháng 7 tới nay, giá cổ phiếu CTG đã giảm 30%, VCB giảm 18%, BID giảm 17%, TCB giảm 15%, VPB giảm 12%,…và được dự báo sẽ còn tiếp tục dò đáy.
Liên tiếp trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu ngân hàng không còn giữ được vai trò trụ đỡ cho thị trường. Tính đến ngày 4/10, các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank, BID của BIDV, VPB của VPBank, STB của Sacombank, VIB,… đều đã trải qua từ 3-5 phiên giảm giá. Riêng cổ phiếu VPB đã có 5 phiên đỏ sàn và 2 phiên đứng giá trong 7 phiên giao dịch gần nhất, VIB cũng đang có chuỗi 5 phiên giảm và một phiên đứng giá.
Cổ phiếu ngân hàng đến thời lao dốc? |
Trong phiên 4/10, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 1,24% và trở thành nhóm giảm mạnh thứ hai sau nhóm chứng khoán với 24 trong tổng số 27 mã đóng cửa trong sắc đỏ. Nếu tính từ đỉnh giá được xác lập hồi tháng 7, trung bình nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm tới 16%, thậm chí có cổ phiếu giảm 30%.
Tính từ đầu tháng 7 tới nay, giá cổ phiếu CTG đã giảm 30%, VCB giảm 18%, BID giảm 17%, TCB giảm 15%, VPB giảm 12%,…và được dự báo sẽ tiếp tục dò đáy.
Theo giới đầu tư chứng khoán, những lo ngại về nợ xấu do các ngân hàng phải thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cùng mặt bằng lãi suất huy động đang xuống mức rất thấp khiến cho bức tranh lợi nhuận quý 3 của ngành ngân hàng được dự báo không có nhiều gam màu sáng. Thậm chí, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 3 được dự báo có thể sụt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn toàn ngành vào cuối năm nay có thể từ 7,1% - 7,7%. NHNN mới đây khuyến khích các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng, trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 năm 2020. Đồng thời, các ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.
Điều này cho thấy nguy cơ nợ xấu trong các tổ chức tín dụng đang là mối lo ngại của các nhà băng cũng như các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng.
Theo TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nợ xấu khiến cho tiến trình cơ cấu lại của các ngân hàng trở nên khó khăn hơn, mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng vì thế cũng sẽ cao hơn.
“Chính vì vậy, chi phí về huy động vốn của các ngân hàng nếu như có huy động vốn quốc tế sẽ ở mức cao hơn”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Bên cạnh việc cơ cấu lại các khoản cho vay, lãi suất cho vay buộc phải giảm để hỗ trợ khách hàng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận ngân hàng trong năm nay. Khảo sát sơ bộ cho thấy, mức lãi suất các ngân hàng cắt giảm dao động từ 1-1,5 điểm phần trăm/năm so với mức lãi suất hiện hành.
Với việc điều chỉnh giảm 1 điểm phần trăm toàn bộ dư nợ, Công ty Chứng khoán ACBS ước tính thu nhập lãi của ngân hàng Vietcombank có thể giảm khoảng 3.912 tỷ đồng, tương đương với mức giảm gần 15% so với lợi nhuận trước thuế trong 4 quý gần nhất; MB cũng giảm thu nhập lãi khoảng 1.466 tỷ đồng, tương đương với mức 11,2%.
Trong khi đó, việc ngân hàng ACB giảm giảm từ 0,3-1 điểm % toàn bộ dư nợ, trừ các khoản vay tín chấp và nợ xấu, ước tính ngân hàng sẽ giảm thu nhập lãi khoảng 561 tỷ đồng. Với TPBank, việc giảm 0,5-1,2 điểm phần trăm đối với dư nợ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 thì sẽ giảm thu nhập lãi 184 tỷ đồng….
Hiền Anh
Những ai mua được cổ phiếu ưu đãi giá rẻ của Techcombank?
Ngân hàng TMCP Techcombank vừa công bố kết quả phân phối hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên trong ngân hàng với giá 10.000 đồng/cp, bằng 1/5 so với giá thị trường hiện tại.