Có một Liệt sĩ người Nhật ở Nghĩa trang Ba Dốc-Đồng Hới

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc của thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có một ngôi mộ liệt sĩ đặc biệt. Đó là ngôi mộ số 1, thuộc hàng mộ 70, lô mộ số 4, với những dòng chữ khắc trên bia mộ: Liệt sĩ Lê Trung, Bác sĩ quân y. Quốc tịch: Nhật Bản. Hy sinh ngày: 1-10-1948. Câu chuyện về người sĩ quan quân đội Nhật Hoàng trở thành liệt sĩ cách mạng Việt Nam cách đây 60 năm thật cảm động và thật ý nghĩa!
Có một Liệt sĩ người Nhật ở Nghĩa trang Ba Dốc-Đồng Hới - ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố Đồng Hới-Quảng Bình, viếng mộ liệt sĩ Lê Trung nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7-2013. Ảnh: Xuân Vui

7 người lính Nhật được dân Việt cưu mang

Ở xã Bảo Ninh bên kia sông Nhật Lệ-Đồng Hới còn lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động về tình hữu nghị Việt-Nhật. Cụ Nguyễn Tú, 86 tuổi (đã mất năm 2006), quê ở Bảo Ninh, là một học giả nổi tiếng, rất uyên bác về văn hóa-lịch sử Quảng Bình đã từng viết hơn 20 cuốn sách, kể rằng:

- Tháng 1-1945, tôi lúc đó là cán bộ chỉ huy đội tự vệ chiến đấu chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Đồng Hới. Vào khoảng đầu tháng 5-1945, cơ sở Việt Minh ở xã Trường Sa (sau này đổi tên là Bảo Ninh) báo rằng: Họ có giữ một ca nô chở 7 lính Nhật từ biển dạt vào xã Trường Sa. Được lệnh cấp trên, chúng tôi cùng một phiên dịch viên về xã Trường Sa tiếp xúc. Hỏi thì họ cho biết, họ vốn là sĩ quan bộ binh Nhật, vì không muốn đánh nhau, không muốn đầu hàng Đồng Minh nên bỏ trốn đơn vị, họ muốn cư trú ở nông thôn Việt Nam, chờ thời cơ để về nước…

Số lính Nhật này đã được Việt Minh bố trí bí mật ở trong nhà mẹ Phạm Thị Hương một thời gian dài. Mẹ Phạm Thị Hương mới mất năm 2005, thọ 96 tuổi. Người con trai của cụ là ông Đặng Sĩ Dự, cán bộ ngành thủy sản Bình Trị Thiên (cũ) đã về hưu, kể:

- Tất cả họ được giấu kín ở nhà chúng tôi. Mẹ tôi có 2 người em trai là Phạm Khuông Tương, lúc đó là Chủ tịch Việt Minh xã và Phạm Dũng Hanh, Thị đội phó Vệ quốc đoàn Đồng Hới (năm 2000 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT chống Pháp) tổ chức lực lượng bảo vệ rất kín đáo, an toàn cho 7 sĩ quan Nhật ấy. Khi có lính Tàu Tưởng từ Đồng Hới sang đò truy lùng tìm kiếm, gia đình lại đưa họ đi ẩn nấp. Còn mẹ tôi thì lo đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo cho họ…

Ông Phạm Thanh Đồng, thương binh 79 tuổi, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cha Lo, nay về nghỉ hưu tại xã Bảo Ninh, nhớ lại:

- Lúc đó 7 sĩ quan Nhật được gia đình bà Phạm Thị Hương che giấu, nuôi dưỡng. Hằng ngày, họ tập luyện cho dân quân xã Bảo Ninh về võ thuật. Tôi lúc đó là tiểu đội trưởng Việt Minh của xã.

Trong tác phẩm "Địa chí Bảo Ninh" xuất bản năm 1986, cụ Nguyễn Tú viết: Trong số 7 người lính Nhật đó, có hai người bập bẹ được đôi tiếng Việt, được các cụ đồ nho Trường Sa đặt cho tên Việt là Ngọ và Mùi… Còn trong cuốn hồi ký "Âm vang thời chưa xa" (NXB Văn học, 1995) nhà thơ Xuân Hoàng kể: ...tôi lên thăm cụ đồ Hoàng, một phụ huynh học sinh có học và có uy tín trong làng thì cũng vừa gặp hai sĩ quan Nhật ở đấy. Cụ Học Phương, một thầy lang nổi tiếng trong làng, bàn với cụ Hoàng đã đặt cho họ một người tên Mùi, một người tên Ngọ. Vừa để cho dễ nhớ, vừa đánh lạc hướng truy tìm của người Tàu. Ít lâu sau, hai ông Mùi, Ngọ trở thành huân luyện viên cho trung đội chiến đấu xã. Cụ Hoàng và cụ Học Phương thường nói chuyện bút đàm bằng chữ Hán với hai viên sĩ quan Nhật, vốn cũng là người có học. Chữ Nhật cũng gần với chữ Hán trong sách Việt... Ông Mùi tóc quăn, râu quai nón, trông có vẻ "râu hùm hàm én mày ngài", còn ông Ngọ thì có mái tóc húi cua rất quân sự, cùng cái mũi thẳng hơi giống người phương Tây. Ông ta kín đáo ít bắt chuyện…(tr.351).

Cụ Nguyễn Tú nhớ lại:

- Để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, anh Phạm Khuông Tương, Chủ tịch Việt Minh xã đã sử dụng 2 trong số 7 người Nhật này, một làm bác sĩ chữa bệnh cho bà con trong xã (vì ông là sĩ quan quân y), một làm huấn luyện viên võ thuật. Nói là huấn luyện võ thuật vì hồi đó chúng ta không có súng, chỉ có đại đao, giáo mác... Còn gia đình anh Phạm Khuông Tương không phải là nhà giàu có, nhưng nhờ bà chị là Phạm Thị Hương vừa buôn bán vừa dành dụm nuôi những người Nhật thay cho anh Tương, xem như giúp em góp phần vào công việc của cách mạng. Lúc đó nạn đói chưa chấm dứt, nên chắc họ vất vả lắm!

Sau đó, do có người Hoa Kiều phát giác, sợ quân Tưởng ở Đồng Hới sang bắt mấy lính Nhật, tổ chức Việt Minh của Đồng Hới đã sơ tán họ lên ở nông trang Rào Trù, đầu nguồn sông Nhật Lệ, cách Đồng Hới 50km. Mẹ Hương được giao tiếp tục nuôi 7 vị sĩ quan Nhật trong gần 2 năm bằng kinh phí gia đình và sự giúp đỡ của bà con vùng sơn cước Rào Trù. Khi Cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền ở Đồng Hới (23-8-1945), các sĩ quan Nhật cũng tham gia rất tích cực trong đội ngũ Việt Minh. Sau đó 5 người trở thành bộ đội. Vài tháng sau, ông Ngọ vào Quảng Ngãi huấn luyện quân sự cho Việt Minh. Còn ông Mùi thì tình nguyện ở lại với Việt Minh Quảng Bình…

Việc 7 sĩ quan Nhật được nhân dân Quảng Bình cưu mang đã được phản ánh lên Bộ Ngoại giao nước ta. Ngày 16-12-2002, Bộ Ngoại giao đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, nêu rõ: Vấn đề người Nhật Bản ly tán ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh là mối quan tâm lớn của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản... Đề nghị UBND khẩn trương điều tra và cho Bộ Ngoại giao biết kết quả. Tháng 3-2003, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình đã có kết luận sự việc trên đây là có thật, đã được ghi vào lịch sử Quảng Bình... Nhiều cán bộ cách mạng lão thành còn sống ở Đồng Hới đã ký xác nhận.

Quân y sĩ Lê Trung và mối tình Việt-Nhật

Người sĩ quan quân y Nhật được đặt tên là Mùi ấy không đi “Nam tiến” mà ở lại chiến đấu cùng Việt Minh Quảng Bình. Ông Mùi được ông Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Quảng Bình thời đó đặt tên là Lê Trung. Ông Trung được bố trí làm việc tại Bệnh viện Quảng Trạch (chiến khu Trung Thuần) và được công nhận là "Bác sĩ quân y tỉnh trưởng". Năm 1947, bác sĩ Lê Trung được điều động đi cứu chữa thương binh tại Lào. Đại tá Nguyễn Khắc Lới về hưu ở Đồng Hới, người từng 30 năm chiến đấu ở Lào, thường cùng vợ đến Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc thắp nhang trên mộ liệt sĩ Lê Trung kể:

- Lê Trung là người cao to, đẹp trai và hiền lành. Anh không nổi nóng với ai và không kêu khổ trước mọi sự gian khổ thiếu thốn của bệnh viện thời chiến. Bác sĩ Lê Trung giỏi chuyên môn, cứu sống được nhiều thương binh nguy kịch. Có lần, một chiến sĩ ta bị thương ở Trung Lào, không có cáng thương, Lê Trung đã 4 ngày đêm liền cõng đồng chí của mình về bệnh viện ở hậu phương cứu chữa.

Quá trình công tác tại bệnh viện mặt trận ở Lào, giữa bác sĩ Lê Trung và cô y tá xinh đẹp Hoàng Thị Kim Huê đã nảy nở tình yêu. Bà Kim Huê sinh năm 1921, tại thành phố biển Nha Trang. Bà làm cán bộ giao thông của Tỉnh ủy Khánh Hòa từ rất sớm, yêu một người Quảng Bình tên là Thiêm. Năm 1939, ông Thiêm chết vì tai nạn xe lửa ở Nha Trang. Bà lặn lội ra Quảng Bình thăm gia đình người yêu, do chiến sự nên bà bị mắc kẹt lại, thế là tự động bắt liên lạc với Việt Minh Quảng Bình để hoạt động. Khi mặt trận Banaphao mở ra, bà sang làm y tá mặt trận, nơi bác sĩ Lê Trung công tác. Ở mặt trận Banaphao, tình yêu của họ nảy nở và ngày càng nồng thắm, được lãnh đạo chấp nhận và tổ chức lễ cưới cho họ vào đầu năm 1948. Chính ông Chủ tịch Hoàng Văn Diệm đứng ra làm chủ hôn. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh, ở trong rừng núi, nhưng vợ chồng Lê Trung-Kim Huê sống rất hạnh phúc.

Chung sống với nhau chưa được một năm, mùa thu năm 1948, bác sĩ Lê Trung bị bệnh nhiễm trùng đường ruột. Vì bệnh xá mặt trận không có đủ phương tiện cứu chữa, nên sau những cơn sốt kéo dài, anh đã qua đời lúc chưa đầy 30 tuổi và vợ anh 27 tuổi vừa có mang 3 tháng. Sau khi chồng mất, chị Huê được điều về bệnh viện trong nước. Di cốt của bác sĩ Lê Trung cũng được đưa về... Đứa con gái của họ là Lê Thị Hoàng Tuyên, mang họ Việt của bố, còn tên Nhật thì không thấy nhắc đến.

Bà Hoàng Thị Kim Huê tiếp tục công tác trong quân đội, làm chính trị viên các bệnh viện Quảng Bình ở Bến Tiêm (huyện Quảng Ninh), Ba Lòng (Quảng Trị). Năm 1960, bà tái hôn với đồng chí Trần Đồng, Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, bà trở về sinh sống tại quê hương Nha Trang, dốc toàn tâm, toàn ý xây dựng Nhà máy nước khoáng Đảnh Thạnh. Dù bận công việc mới, bà Huê vẫn không nguôi nhớ về người chồng Nhật Bản mang tên Việt của mình. Ngày 30-9-1989, bà Hoàng Thị Kim Huê gửi thư cho Bộ Ngoại giao đề nghị tìm người nhà của bác sĩ Lê Trung. Bà cũng nhiều lần đề nghị Nhà nước ta truy tặng liệt sĩ cho bác sĩ Lê Trung. Bà đã trở lại Quảng Bình, cùng người em kết nghĩa là Đại tá Vũ Khắc Lới nỗ lực đề nghị. Công việc được sự khuyến khích giúp đỡ, xác nhận của nhiều đồng chí lão thành cách mạng, như: Đồng Sỹ Nguyên, Hoàng Văn Diệm, Phan Khắc Hy... nên đã đạt được kết quả. Ngày 22-8-1997, bác sĩ Lê Trung được công nhận là liệt sĩ với tấm bằng "Tổ quốc ghi công" theo quyết định số 669-TTg. Ngày 15-12-1997, hài cốt liệt sĩ Lê Trung đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc.

Năm 1999, bà Kim Huê qua đời ở Nha Trang. Nhưng câu chuyện về người bác sĩ quân y Nhật, liệt sĩ cách mạng Việt Nam… vẫn chưa kết thúc. Lê Trung tên Nhật là gì? Anh quê ở đâu bên Nhật? Gia đình anh bây giờ còn những ai? Họ có biết anh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và vẫn đang được nhân dân Việt Nam tôn vinh, kính trọng?... Bao nhiêu câu hỏi đã 60 năm qua bạn bè và đồng đội của Lê Trung vẫn đi tìm. Có điều lạ là anh biết bập bẹ tiếng Việt, lấy vợ Việt, sao anh không một lần kể về quê hương, gia đình của mình cho vợ nghe. Hay là có kể nhưng bà Kim Huê không ghi chép lại, nên bây giờ không ai biết? Theo ông Đặng Sĩ Dự, con trai bà Phạm Thị Hương từng cưu mang 7 người lính Nhật, thì chị Lê Thị Hoàng Tuyên, con gái của liệt sĩ Lê Trung sau này làm cán bộ Viện Quy hoạch-Bộ Xây dựng, bị bệnh ung thư đã mất. Chị Tuyên có đứa con hiện nay làm việc ở Đức. Khoảng những năm 1985-1986, chị Hoàng Tuyên đã được Đại sứ quán Nhật Bản tạo điều kiện cho sang Nhật tìm gia đình của bố. Nghe nói trong chuyến đi sang Nhật đó, Hoàng Tuyên đã tìm được ông bà nội và chú bác anh em ruột của bố. Nếu câu chuyện kể trên là có thật, thì sẽ có cơ hội nhiều hơn để tìm hiểu rõ hơn về gia đình và quê hương liệt sĩ Lê Trung. Trong số 7 đồng đội cùng phản chiến của Lê Trung ở Bảo Ninh tháng 5-1945, ai còn ai mất, họ có thông tin gì về nhau không? Viết những dòng này, tôi muốn nhắn gửi đến tất cả những người thân thiết và có quan hệ xa gần với vợ con liệt sĩ Lê Trung, nếu biết gì về gia đình, quê quán, tên thật của liệt sĩ ở Nhật thì cung cấp cho Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc ở Đồng Hới-Quảng Bình, để họ bổ sung đầy đủ hồ sơ về người liệt sĩ quốc tế đang yên nghỉ tại đây!

NGÔ MINHNHẬT LỆ

Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine

Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.

Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.

Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine

Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.

Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.

Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng

Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.

Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine

Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.

FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm

Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.

Video lữ đoàn biệt kích Ukraine vô hiệu hóa xe tăng ‘mai rùa’ Nga bằng UAV

Chỉ với những chiếc UAV cảm tử, Lữ đoàn biệt kích biệt lập số 71 Ukraine đã khiến xe tăng ‘mai rùa’ của Nga hư hại nặng.

Video Ukraine phóng tên lửa nước ngoài, phá hủy S-400 của Nga ở Donetsk

Quân đội Ukraine đã phóng tên lửa đạn đạo ATACMS, phá hủy hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga ở khu vực Donetsk.

Video HIMARS Ukraine bắn nổ pháo ‘cuồng phong’ Nga

Đòn tấn công của hệ thống HIMARS Ukraine ngay lập tức tạo ra vụ cháy lớn cho pháo BM-27 Uragan Nga, trước khi vụ nổ thứ cấp phá hủy khí tài này.

Đang cập nhật dữ liệu !