Cô gái uống bia 'say vẫn tỉnh', trước khi hôn mê nảy triệu chứng lạ, suýt mất mạng
Bác sĩ trực cấp cứu cho biết dù bệnh nhân đang tỉnh nhưng chúng tôi biết chắc chắn sắp hôn mê, tính mạng của người bệnh ngàn cân treo sợi tóc....
Hình ảnh chụp CT cho thấy vỡ túi phình đoạn tận động mạch cảnh, hai bên, hình ảnh xuất huyết dưới nhện lan tỏa trên và dưới lều.. nữ bệnh nhân |
Vào lúc 21h 31’ ngày 10/9, Phòng cấp cứu – chống độc, BVĐK Hùng Vương tiếp nhận bệnh nhân nữ sinh năm 1987 có biểu hiện của bệnh lý tiêu hóa, ngộ độc, say rượu bia…
Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, sau uống bia xuất hiện đau bụng, đi ngoài, đau đầu, buồn nôn, vận động tứ chi bình thường, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn.
Bác sĩ Triệu Thị Minh, phòng cấp cứu – chống độc bệnh viện cho biết, bệnh nhân vào viện có thể nói gần như bình thường, trả lời đúng các câu hỏi của các bác sĩ.
Bệnh nhân cũng không có dấu hiệu liệt thần kinh, cấu véo đau, phản xạ ánh sáng (+) duy nhất chỉ có một điều hơi bất thường đó là bệnh nhân nói có câu không tròn tiếng kiểu đầy lưỡi, nhìn kỹ thấy giãn nhân trung có biểu hiện lệch nhẹ sang trái.
Với một chút nghi ngờ bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính (CT 128) cấp cứu có tiêm thuốc cản quang và dựng hình mạch máu não.
Khi kết quả trả về phòng cấp cứu, cả kíp trực lặng người khi nhìn thấy điểm vỡ túi phình đoạn tận động mạch cảnh, hai bên, hình ảnh xuất huyết dưới nhện lan tỏa trên và dưới lều...
BS Minh nhấn mạnh, dù bệnh nhân đang tỉnh nhưng chúng tôi biết bệnh nhân chắc chắn sắp hôn mê, tính mạng của người bệnh như ngàn cân treo sợi tóc...
Ngay sau đó, các bác sĩ trực cấp cứu tại trung tâm 115 của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã “gỡ được bàn thua trong gang tấc”.
Qua trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khuyến cáo, khi người dân gặp những tình huống tương tự phải liên hệ đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.
Cũng liên quan đến tình trạng xuất huyết não (đột quỵ) sau uống rượu bia, GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim Mạch Quốc Gia cho biết, người uống rượu say hoàn toàn có thể bị đột quỵ, thậm chí đột tử.
Theo GS Khải, đột quỵ là cơn tai biến xảy ra đột ngột. Tình trạng liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể xảy ra do gián đoạn cung cấp máu tới động mạch não, hay còn gọi là đột quỵ tắc mạch và xuất huyết não.
Tình trạng tắc nghẽn kéo dài cản trở máu lưu thông lên não, khiến các tế bào não thiếu oxy quá mức dẫn đến chết não và ảnh hưởng đến các chức năng mà vùng não bị chết chi phối.
Ở trường hợp xuất huyết não, một mạch máu não bị vỡ gây tổn thương cho các tế bào não. Đột quỵ xuất hiện nhanh chóng thường để lại di chứng liệt, có khi gây tử vong nếu tổn thương nặng ảnh hưởng tới các trung khu sinh tồn của não.
Nguyên nhân gây ra đột quỵ là cơn tăng huyết áp, vữa xơ động mạch não và mảng vữa xơ bị nứt, gây xuất hiện cục máu đông, gây tắc động mạch não... Đột quỵ còn là biến chứng từ các rối loạn các trung khu sinh tồn trong não. Khi uống rượu, hô hấp, nhịp tim, tri giác, điều hòa điện giải máu đều thay đổi và hoàn toàn có thể gây ra cơn đột quỵ.
Với những người huyết áp thấp và huyết áp cao khi uống rượu vào đều gây rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, khó thở... do uống rượu làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 5 lần, dễ dẫn đến thuyên tắc mạch.
Để hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng, GS Khải khuyến cáo mọi người không uống rượu bia quá nhiều. Bởi không chỉ có nguy cơ đột quỵ mà chúng ta còn phải chịu rất nhiều hệ luỵ từ bia rượu.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cũng lưu ý với những người bị ngộ độc rượu, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên.
Khi bệnh nhân uống rượu, người nhà tuyệt đối không được gây nôn, uống nước chanh vì trong nước chanh có axit, không được cho người uống rượu tắm, không sử dụng các thuốc chống say, giải rượu...
Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi.
Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng như không nhận biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
N. Huyền