Có đúng là Triều Tiên đã "xin lỗi" Hàn Quốc?
Sau hơn 48 giờ đàm phán với người đồng cấp Triều Tiên, Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin hôm qua đã đưa ra một tin đáng ngạc nhiên: Bình Nhưỡng đã xin lỗi về vụ gài mìn tại khu vực biên giới hồi đầu tháng nhằm tấn công các binh lính phía Nam.
Thông báo của ông Kim như để chứng minh cho lời nói cứng rắn trước đó vài giờ của Tổng thống Park Geun-hye rằng Hàn Quốc sẽ không dỡ bỏ các dàn loa phóng thanh nếu Triều Tiên không xin lỗi.
Triều Tiên bày tỏ "sự lấy làm tiếc" về vụ nổ mìn ở biên giới với Hàn Quốc. Nguồn: US Army photo |
Theo thỏa thuận vào hôm qua nhằm giải tỏa căng thẳng giữa hai miền, Seoul sẽ chấm dứt hình thức dùng loa phóng thanh tuyên truyền hướng sang phía Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo như giới quan sát, Bình Nhưỡng chưa thực sự đưa ra một lời xin lỗi rõ ràng. Chính phủ Hàn Quốc chỉ đơn giản là nhận được một tuyên bố không mang tính cam kết và rất mơ hồ của Triều Tiên. Bằng cách này, cả hai bên đều có thể giữ lại được một chút thể diện.
Triều Tiên không nhận trách nhiệm về vụ cài mìn ở DMZ và cũng không sử dụng động từ “xin lỗi” phổ biến trong tiếng Hàn. Thay vào đó, Bình Nhưỡng chỉ bày tỏ sự “lấy làm tiếc” về sự việc này. Tuy nhiên, để tránh tình hình thêm căng thẳng, Seoul cũng coi như đó là một lời xin lỗi và công bố với các phương tiện truyền thông quốc tế rằng Bình Nhưỡng đã “nhún nhường”, chỉ một ngày sau khi bà Park đưa ra những lời tuyên bố đầy đanh thép.
Daniel Pinkston, Giám đốc dự án Đông Bắc Á, nhóm khủng hoảng quốc tế ở Seoul, cho The Diplomat biết yêu cầu cứng rắn đòi Triều Tiên xin lỗi của Tổng thống Park chỉ là để cho các khán giả nước nhà nghe mà thôi. “Đó là điều mà người dân Hàn Quốc muốn nghe. Những người bảo thủ ủng hộ bà Park muốn thấy và nghe những điều tương tự như vậy”, Pinkston phân tích.
Pinkston cho rằng Hàn Quốc có thể không nhận được một lời xin lỗi đúng nghĩa cũng như Triều Tiên vẫn chưa nhận trách nhiệm cho vụ nổ mìn nói trên. Theo ông, các thuật ngữ “tránh né” như vậy không phải là hiếm trong ngoại giao. “Ngoại giao thường sử dụng ngôn ngữ có thể được dịch ra theo một nghĩa hơi khác, tùy thuộc vào từng đối tượng người nghe khác nhau”, ông nhận định.
Loa phóng thanh-vũ khí hiệu quả của Hàn Quốc
Chỉ với một dàn loa tuyên truyền công suất lớn ở khu vực biên giới, Hàn Quốc có thể khiến Triều Tiên nổi giận và động binh. Seoul đã không sử dụng loại vũ khí nhạy cảm này từ 11 năm trước. Vậy thực chất dàn loa phóng thanh này đã phát những bản tin gì mà có thể khiến Bình Nhưỡng “nóng mặt” như vậy? Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc tiết lộ rằng hệ thống phát thanh với những giàn loa cỡ lớn này liên tục phát những bản tin dài 5 đến 10 phút về Hàn Quốc qua khu phi quân sự nằm giữa đường biên giới hai nước, kèm theo đó là những lời chỉ trích chính quyền Triều Tiên.
Việc sử dụng hệ thống loa phóng thanh cỡ lớn để phát những thông điệp chống Triều Tiên qua bên kia biên giới là một hình thức “tâm lý chiến” được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc áp dụng từ lâu. Theo tiến sĩ Justin Hastings, đến từ Đại học Sydney, nếu có một thứ gì đó mà người Triều Tiên ghét nhất, thì đó là thông tin về thế giới bên ngoài, bằng bất kỳ hình thức nào. Chính phủ Triều Tiên luôn lo sợ rằng các công dân của mình, đặc biệt là tầng lớp binh sĩ, sẽ bị dao động bởi không chỉ Hàn Quốc mà cả phương Tây.
K-pop là một phần trong chiến dịch "tâm lý chiến" của Hàn Quốc. Nguồn: Koreatimesus |
Đoạn băng tuyên truyền được phát qua hệ thống loa bắt đầu bằng câu: “Chúng tôi muốn đưa sự thật tới đồng bào ở miền Bắc…”, đồng thời chỉ trích khả năng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Những giàn loa nằm này còn phát thông tin cho rằng chính Triều Tiên đã cho cài mìn và bắn pháo qua biên giới Hàn Quốc hồi tuần trước. Hệ thống tuyên truyền của Hàn Quốc cho rằng ông Kim “trẻ người non dạ và sợ bị các nhà lãnh đạo thế giới khác ruồng rẫy”.
Ngoài ra, đoạn băng truyên truyền trên còn phát những bản tin dự báo thời tiết ở Triều Tiên. Sau đó, hệ thống này tiếp tục ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc và hệ thống dân chủ của nước này, đồng thời vẽ ra một bức tranh màu hồng về cuộc sống của tầng lớp trung lưu tại đây.
Ngoài ra, một phần không thể thiếu trong các bản tin “tâm lý chiến” trên là các bài nhạc Hàn Quốc, hay còn gọi là K-pop, đang thịnh hành của các nhóm nhạc trai xinh, gái đẹp xứ Hàn. Phía Hàn Quốc đã dùng loa lớn, chĩa về phía Triều Tiên để phát loạt ca khúc đình đám, bao gồm Bang Bang Bang của Big Bang, Meeting của Noh Sa Yeon, Heart của IU và Genie của SNSD cùng nhiều bài hát khác.
Trước đó, cũng từng có trường hợp một người lính Triều Tiên sau khi nghe Gee của SNSD đã đào ngũ và trốn tới Hàn Quốc vì nghĩ rằng phụ nữ Hàn ai cũng đẹp như SNSD.
Những giàn loa khổng lồ này được bố trí tại 11 điểm dọc biên giới liên Triều và phát đoạn băng tuyên truyền trên ba lần mỗi ngày, mỗi lần phát thanh kéo dài từ ba đến 4 giờ đồng hồ. Thời điểm phát là ngẫu nhiên để tránh bị Triều Tiên dùng loa công suất lớn lấn át.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.