Có 4 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp trên máy bay bị mất tích
Thông tin này được tờ Malaysia Insider cung cấp vào sáng ngày 9/3/2014.
Vào tối hôm qua theo giờ Việt Nam, các phương tiện truyền thông của Malaysia cho biết, hai người đàn ông - một người Ý và một người Áo - đã nói rằng họ không có mặt trên chiếc máy bay Boeing 777 -200ER cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào lúc 0h40 sáng cùng ngày.
Chiếc máy bay đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu sân bay từ 01h30 và đã không đến Bắc Kinh.
"Chúng tôi đang điều tra toàn bộ các hành khách, không chỉ là bốn hành khách bị tình nghi", Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết tại Sân bay quốc tế Kualar Lumpur sáng nay.
Chiếc máy bay bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy mặc dù phía Việt Nam đã xác nhận có hai vệt dầu loang trong khu vực tìm kiếm nằm trên vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam. Ông Hishammuddin khẳng định không xem nhẹ bất kỳ một dấu vết tình nghi nào cũng như sẽ không loại trừ bất kỳ khả năng nào có thể xảy ra với chuyến bay hiệu MH370.
“Các cơ quan tình báo của các quốc gia có liên quan đã được thông báo và chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin khi cuộc điều tra diễn ra", ông Hishammuddin cho biết, “Sau các cuộc thảo luận, cơ quan tình báo của các quốc gia đã đồng ý làm việc cùng nhau và tìm hiểu về tất cả các hành khách và những cuốn hộ chiếu bị đánh cắp".
Ông Hishammuddin cho biết các đoạn băng video quay nội bộ tại Sân bay quốc tế Kualar Lumpur cũng sẽ được sử dụng để điều tra, đặc biệt là tìm hiểu tại sao 4 hành khách sử dụng hộ chiếu ăn cắp lại có thể lên được MH370. "Tuy nhiên, đây là một mạng lưới quốc tế và chúng ta không hoàn toàn đổ lỗi cho Sở di trú", ông cho biết.
Hishammuddin cũng nói thêm rằng các quan chức Malaysia đã gặp đại diện của Cục điều tra liên bang Mỹ có trụ sở tại Kuala Lumpur.
Khi được hỏi liệu đây có phải là một sai sót an ninh hay không, ông Hishammuddin cho biết họ đã thậm chí không thể xác định chắc chắn đó là một nguy cơ bảo mật. "Chúng ta không thể kết luận và suy đoán vội vàng. Nếu đó là một sai sót an ninh, lúc đó chúng ta phải xác định nó đã sai ở chỗ nào”.
"Chúng tôi đang xem xét tất cả các khả năng nhưng vấn đề chính hiện nay là xác định vị trí của chuyến bay mất tích MAS MH370", ông nói.
Ông Hishammuddin cũng đặt ra một khả năng rằng MH370 có thể đã bị buộc phải quay trở lại (ATB). Như vậy, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn (SAR) sẽ phải mở rộng tìm kiếm. Sự cố ATB có nghĩa là máy bay buộc phải quay trở lại nơi xuất phát do một sự cố nào đó hoặc có nghi ngờ trục trặc kỹ thuật trên máy bay.
"Tôi đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen ngày hôm qua và họ đã đồng ý để triển khai thêm ba tàu, bao gồm một tàu khu trục nhỏ với khả năng rà soát sóng sonar trên biển". Ông cũng khẳng định rằng các báo cáo về vết dầu loang trên vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam là chính xác mặc dù không tìm thấy mảnh vỡ nào tại đây.
"Các nhà chức trách Việt Nam đã triển khai tàu đến khu vực để xác định xem liệu các vết dầu có phải là nhiên liệu máy bay và liệu MH370 có bị rơi trong khu vực hay không", ông Hishammuddin cho biết.
Hãng hàng không Malaysia cho biết máy bay cất cánh lúc 00h41 tại Malaysia và biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu ở Subang lúc 02h40. Quãng thời gian này cho thấy chiếc máy bay có thể đủ sức bay qua vịnh Thái Lan và lên phía bắc Việt Nam. Nhưng Fredrik Lindahl, Giám đốc điều hành của Flightradar24, một dịch vụ theo dõi máy bay trực tuyến, đã nói rằng số hiệu liên lạc radar của máy bay xuất hiện vào lúc 01h19, sau 40 phút khi chuyến bay bắt đầu khởi hành.
Các nhà chức trách cho biết hôm qua rằng cuộc nói chuyện cuối cùng giữa phi hành đoàn chuyến bay và kiểm soát không lưu tại Malaysia là vào 01h30 ngày 8/3/2014.