CNN: Nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ đã “diệt vong”?
Kết quả này đã khiến phe đối lập lên tiếng phản đối kết quả này, và nhiều người lo ngại rằng nó sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên ít dân chủ hơn và chia cắt xã hội sẽ trở nên trầm trọng hơn. Dù vậy, có thể nói rằng Tổng thống Erdogan đã giành một chiến thắng lịch sử, qua đó cho phép ông có cơ hội để có thể nắm quyền cho đến năm 2029.
Hình ảnh Tổng thống Erdogan xuất hiện ở khắp nơi trên toàn đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. |
Ông Erdogan, một nhà lãnh đạo có tư tưởng thấm nhuần những giáo lý hà khắc của Hồi giáo, trong những năm trở lại đây đã trở thành tâm điểm của sự chia rẽ sâu rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/4 sẽ chỉ càng khiến sự chia rẽ này trầm trọng hơn.
Với việc phe Erdogan giành chiến thắng với tỉ lệ 51 – 49%, với ba thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul, Ankara và Izmir đều bỏ phiếu phản đối, ông Erdogan sẽ phải đối mặt với một làn sóng phản đối lớn trong tương lai.
Ông Erdogan không phải là mẫu lãnh đạo có chủ trương hòa giải. Ông đã lãnh đạo đất nước bằng những chính sách gây thổi bùng chia rẽ chính trị, xã hội và tôn giáo. Ông dùng những biện pháp mạnh tay để nghiền nát phe đối lập, và đã tận dụng nhiều cơ hội cũng như thách thức để củng cố quyền lực của mình.
Một trong những cơ hội lớn nhất mà ông Erdogan có được đó là cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Chiến thắng của ông Erdogan sẽ cho phép một hiến pháp mới với 18 điều luật sửa đổi được ban hành, qua đó tập trung quyền lực vào tay của Tổng thống.
Trước nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống có vai trò là người đứng đầu quốc gia, không đứng về đảng phái nào và quyền lực có trong tay là tương đối giới hạn. Với việc bộ luật mới được áp dụng, Tổng thống sẽ có vai trò là người chỉ huy tối cao của đất nước.
Các cuộc bầu cử toàn quốc sẽ được tổ chức vào năm 2019, khi đó vị trí Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị xóa bỏ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền bổ nhiệm 12 trong tổng số 15 thẩm phán tối cao, chọn ra thành viên cho Hội đồng An ninh Quốc gia và sẽ là người có quyền cao nhất trong việc soạn thảo hiến pháp. Nhiều chuyên gia cho biết ông Erdogan sẽ trở thành một nhà độc tài.
Tổng thống Erdogan cùng trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/4, trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. |
Vào tháng 7 năm ngoái, sau khi một âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ngăn chặn, ông Erdogan đã lợi dụng cơ hội này để loại bỏ bất cứ ai có quan điểm chống đối ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một chiến dịch truy quét quy mô lớn chưa từng có, khiến hàng chục ngàn người bị bắt giam và rất nhiều người khác bị sa thải.
Tuy nhiên ngay từ trước khi âm mưu đảo chính xảy ra, quan điểm bài dân chủ của ông Erdogan đã được thể hiện rất rõ. Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam nhiều nhà báo hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, và đây là một trong số rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông Erdogan không theo đuổi một chế độ chính trị dân chủ tự do và đa nguyên.
Mặc dù nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn đất nước xích lại gần phương Tây và gia nhập Liên minh Châu Âu, song ông Erdogan lại phát biểu lên án phương Tây và luôn đề cao chủ nghĩa dân tộc. Bài nói của ông luôn được những người ở vùng quê, có tư tưởng bảo thủ ủng hộ nhiệt liệt, tuy nhiên đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ tại các thành phố lớn, phát ngôn của ông Erdogan rất khó chấp nhận.
Nhiều người đã tỏ ra lo ngại khi họ không thể nói trước quan điểm bảo thủ về tôn giáo của ông Erdogan sẽ ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào. Đã có rất nhiều phụ nữ bày tỏ sự công phẫn khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu rằng phụ nữ “có bản chất mềm yếu” và tuyên bố “Hồi giáo đã quy định vị trí rõ ràng đối với phụ nữ, đó là làm mẹ”.
Thêm vào đó, ông Erdogan còn tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đào tạo một “thế hệ trẻ ngoan đạo”, và Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa công bố một giáo trình mới, trong đó bao gồm rất nhiều sách kinh Hồi giáo. Trong sách giáo khoa Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cũng được miêu tả như một người hùng khi đã đàn áp cuộc đảo chính vào tháng 7/2016.
Trong tương lai, người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp nhận những chính sách mang tính áp đặt mới của chính quyền Erdogan. Đối với những người muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trở thành một nhà nước dân chủ, với những quyền tự do ngôn luận và binh đẳng, con đường này đối với họ sẽ ngày càng khó đi hơn.