Nhóm nữ du khách cởi áo chơi team building: Chưa có định nghĩa rõ về ăn mặc 'phản cảm'
Ngày 13/9, đại diện UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị có văn bản gửi cơ quan Công an và các đơn vị có liên quan vào cuộc xác minh nội dung hình ảnh, clip phản cảm đăng tải trên mạng xã hội.
Theo đó, để có cơ sở xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, UBND TP Hạ Long giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin đã đăng tải trên mạng xã hội.
Ngoài ra, thành phố giao cơ quan công an làm việc với admin đăng tải clip và nhóm người tổ chức chương trình để tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 15/9.
Trao đổi với PV Infonet về sự việc nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật) cho rằng: “Hành vi cởi áo của một số nữ du khách tại bãi tắm thuộc Khu du lịch Bãi Cháy TP Hạ Long mới đây đã gây ra nhiều bức xúc cho dư luận, có dấu hiệu đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa rõ về ăn mặc “phản cảm” và như thế nào là “không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam”, do vậy vấn đề xử phạt đối với trường hợp này đều dựa vào cảm tính, lý trí của người có thẩm quyền”.
Theo luật sư, trước đây, tại Điều 10 Nghị định số 70/2010/NĐ-CP có quy định về vấn đề xử phạt liên quan đến nếp sống văn minh bao gồm xử phạt người không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót nơi công cộng, nhưng cho đến khi Nghị định số 144/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì đã không còn quy định hành vi vi phạm về nếp sống văn minh.
Do đó, tại thời điểm hiện nay, chưa có đủ căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề ăn mặc phản cảm nơi công cộng. Sở dĩ pháp luật bãi bỏ quy định xử phạt đối với hành vi này vì vấn đề này liên quan tới chuẩn mực đạo đức và cách ứng xử của con người, các nhà làm luật tin rằng ý thức của người dân cũng sẽ được nâng cao theo thời gian.
“Thực tế rất khó để đưa ra được những tiêu chí xác định về việc ăn mặc phản cảm, không đúng mực hay trái với thuần phong mỹ tục, cho nên các trường hợp vi phạm đều rất khó xử lý vì pháp luật Việt Nam chưa có các quy định cụ thể chi tiết về vấn đề ăn mặc phản cảm là gì? Chế tài xử phạt ra sao? Trách nhiệm thẩm quyền xử phạt thuộc về cơ quan nào? Chủ yếu chỉ bị nhắc nhở và cảnh cáo”, luật sư Diệp Năng Bình nói.
Trước đó, trong buổi sáng 13/9, nhiều trang mạng xã hội của Quảng Ninh đăng tải nội dung clip cùng nội dung nhóm người tổ chức chương trình team building trên bãi biển.
Theo nội dung đăng tải, chương trình diễn ra tại bãi biển thuộc Khu du lịch Bãi Cháy, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Trong quá trình vui chơi, nhóm nữ du khách có hành vi cởi áo để tham gia chơi trò chơi ngay trên khu vực bãi cát. Nhiều người chứng kiến sự việc hô hào và quay lại video, đăng tải lên mạng xã hội.
Clip sau khi được đăng tải đã tạo ra nhiều tranh cãi. Đa số ý kiến cho rằng hành động những người phụ nữ lột áo ngực giữa bãi biển để tham gia trò chơi là phản cảm vì đây là bãi tắm công cộng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND TP Hạ Long giao Phòng văn hóa và thông tin chủ trì phối hợp cùng đoàn liên ngành và chính quyền phường tổ chức kiểm tra các bãi tắm Công viên Đại dương, Tuần Châu, Hòn Gai. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế từng địa điểm và đối chiếu với các hình ảnh trong clip, thành phố chưa xác định được địa điểm giống với hình ảnh mạng xã hội đã đăng tải.
Được biết, nhóm du khách là nhân viên, đại lý kinh doanh của một đơn vị bán sản phẩm chăm sóc sắc đẹp có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc. Trong các ngày 25-26/7/2020, nhóm du khách tổ chức chương trình du lịch biển hè tại Hạ Long và tham gia chơi teambuilding ở bãi tắm thuộc Khu du lịch Bãi Cháy.
Sông Yên