CIA dự đoán ‘xung đột khí hậu’ vào năm 2040
Theo một báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong những thập kỷ tới, thế giới phải đối mặt với một cuộc xung đột quân sự toàn cầu do biến đổi khí hậu trên hành tinh.
“Những hậu quả vật chất ngày càng tăng của biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm những điểm nóng địa chính trị xuyên biên giới khi các quốc gia thực hiện các bước để bảo vệ lợi ích của mình”, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, không muộn hơn năm 2040, “xung đột khí hậu” sẽ bắt đầu trên thế giới, trong đó các bên sẽ sử dụng công nghệ chống lại nhau làm khuếch đại các thảm họa thiên nhiên như hạn hán và lũ lụt.
Biến đổi khí hậu sẽ trở thành tác nhân khiến căng thẳng quốc tế ngày một leo thang. (Ảnh: AP) |
Các chuyên gia cũng cảnh báo về căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các nước về tranh chấp việc thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris, trong đó liên quan đến việc giảm phát thải khí nhà kính để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
“Hầu hết các quốc gia sẽ phải đối mặt với những lựa chọn kinh tế khó khăn và có khả năng dựa vào những đột phá công nghệ để cắt giảm nhanh lượng khí thải. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định quỹ đạo của việc tăng nhiệt độ trái đất”, báo cáo giải thích.
Ngoài ra, các tác giả của báo cáo nêu nguy cơ xung đột nội bộ ở các nước đang phát triển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì các nước này ít có khả năng thích ứng với các điều kiện mới.
Các điểm nóng tiềm ẩn trong tương lai về “xung đột khí hậu” bao gồm các khu vực như lưu vực sông Congo, Indus, Mekong và sông Nile. Xung đột có thể xảy ra do sự thay đổi của các kênh sông và chuyển hướng của dòng chảy.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng liệt kê 11 quốc gia và 2 khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, khiến các nước này đối mặt với tình trạng báo động về an ninh năng lượng, thực phẩm, nước và y tế. Đây là các quốc gia có xu hướng nghèo và khả năng thích ứng kém, làm tăng nguy cơ bất ổn và xung đột nội bộ. Các đợt nắng nóng và hạn hán có thể gây áp lực lên các dịch vụ như cung cấp điện.
Các quốc gia đó bao gồm: Afghanistan, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Guatemala, Haiti, Honduras, Nicaragua, Colombia và Iraq. Ngoài ra, Trung Phi và các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, tình hình bất ổn tại các quốc gia này sẽ dễ bùng phát, đặc biệt sẽ tạo ra các dòng người tị nạn mới. Điều này sẽ dễ tạo ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo mới và có thể sẽ tiếp tục gây nên áp lực nặng nề cho vùng biên giới phía Nam của nước Mỹ.
9 thành phố bị ‘xóa sổ’ khỏi Trái Đất chỉ trong một đêm
Trái Đất đã phải trải qua rất nhiều thảm họa khủng khiếp của thiên nhiên, nhiều vùng đất, nền văn minh đã bị xóa sổ trong tích tắc.
Thanh Bình (lược dịch)