Chuyện xây đường tuần tra biên giới trên đỉnh Trường Sơn
Cứ mỗi độ Xuân về, đi trên các tuyến đường tuần tra biên giới từ điểm đầu Quảng Ninh cho đến Kiên Giang, gặp lại những người lính thợ miệt mài bám trụ công trường, cảm giác bâng khuâng cứ ùa về với chúng tôi. Khi khắp nẻo đường đất nước đang rộn ràng đón Xuân, thì ở nơi biên giới xa xôi, họ vẫn đang tranh thủ từng ngày của mùa khô để thi công, đẩy nhanh tiến độ công trường; vượt lên những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để nỗ lực nối liền con đường mang dáng hình Tổ quốc trên dọc dài biên cương đất nước. Nhiều câu chuyện mà mỗi chuyến đi chúng tôi được chứng kiến và ghi lại càng thêm cảm phục những người lính thợ đang ngày đêm mở đường trù phương lược.
Chuyện hậu cần trên đỉnh Pu-vai-lai-leng
Đường tuần tra biên giới dẫn lên đỉnh Pu-vai-lai-leng uốn lượn quanh co, vòng vèo như đường lên cổng trời. Nhìn từ trên cao xuống, nhiều đoạn đường như sợi dây thừng loằng ngoằng, vắt vẻo bên sườn núi. Trong số những phân đoạn trên tuyến, gói thầu số 1 qua cột mốc L10-M11 huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có chiều dài 18,5km do Binh đoàn 12 thi công là một trong những nơi được coi là đặc trưng về sự khắc nghiệt, thử thách bản lĩnh của những người lính mở đường.
Với chiều cao gần 2.800m, cao nhất dãy Trường Sơn, cao thứ ba ở Việt Nam, chỉ sau đỉnh Phan-xi-păng (cao 3.143m) và đỉnh Phu-ta-leng (cao 3.096m), nên đỉnh Pu-vai-lai-leng được mệnh danh là nóc nhà của Trường Sơn. Khí hậu quanh năm mây mù che phủ, lạnh giá, điều kiện thi công vô cùng khó khăn do địa hình hiểm trở, núi đá dựng đứng, dốc cao, vực thẳm. Để mở tuyến đường này, cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn 12 phải leo lên đỉnh núi buộc dây vào người và đu người xuống vách đá để khoan lỗ nhồi mìn, phá đá.
Đoàn công tác của Ban QLDA 47 vượt qua một đoạn dốc để men theo sườn núi ở khu vực gần Cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) đi khảo sát lại một gói thầu phải bổ sung thiết kế do địa hình thực tế quá cheo leo, hiểm trở, dốc núi đá dựng đứng. |
Nồi cơm của bộ đội Binh đoàn 12 trên đỉnh Pu-vai-lai-leng. |
Làm đường đã khó thế nhưng chuyện hậu cần nơi công trường còn khó khăn gấp bội. Do công trường ở trên đỉnh núi, xa chợ, xa trung tâm nên thông thường một đến hai tuần bộ đội mới ra chợ mua đồ thực phẩm để dự trữ một lần. Có thực phẩm rồi nhưng để có được bữa ăn như dưới xuôi dường như không thể. Bởi ở độ cao hàng nghìn mét, không khí loãng, độ ẩm thấp, nước đun sôi chỉ khoảng 90 độ C. Mặc dù đã mang nồi cơm ra giữa trời nắng, chất củi nấu gần tiếng đồng hồ thế mà cơm cũng không thể chín, ở dưới đáy nồi có khê cháy thì bên trên vẫn sống, còn nguyên lõi gạo. Trứng gà luộc đến cả tiếng đồng hồ thì lòng trắng trứng chín, còn lòng đỏ vẫn ở dạng lòng đào, không thể chín hẳn.
Ngủ dã chiến giữa rừng Chư Mo Ray, huyện Sa Thầy (Kon Tum). |
Đại tá Phan Tiến Long, Trưởng ban quản lý Dự án của Binh đoàn 12 phụ trách thi công gói thầu số 1 chia sẻ: “Điều kiện thi công khó khăn, thiếu đủ thứ, nước ngọt cũng phải gùi lên công trường, trồng rau thì không sống nổi. Sương mù, ẩm ướt quanh năm nên tivi, loa đài, âm ly mang lên công trường được dăm bữa nửa tháng là hỏng hết; không có sóng điện thoại, sách báo thiếu cho đến chuyện cơm nước nơi công trường cũng gian nan không kém". Khi chúng tôi hỏi: “Có cách nào để nấu cơm chín được không anh?". Anh nói: “Ở đây chỉ duy nhất có loại gạo của đồng bào Mông trồng ở vùng này là nấu cơm chín. Song do tập tục của đồng bào thường có thói quen dự trữ ngô, lúa nên năm thì mười họa, anh em xuống chợ may mới đổi được vài ki-lô-gam gạo của đồng bào thì hôm đó mới được bữa cơm không bị sậm sật".
“Bọc áo giáp” cho lốp xe
Mỗi tuyến đường tuần tra lại có những thử thách khác nhau. Ở trên cung đường của gói thầu đường vào Đồn Biên phòng 669 Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, (Kon Tum) do Công ty 36.55 (Tổng công ty 36) và các đơn vị của Binh đoàn 11 thi công, chúng tôi được đi trên chiếc chiến mã U-oát “bọc áo giáp” là trải nghiệm không bao giờ quên.
Lính thợ Công ty 36.55 “bọc áo giáp” cho lốp xe để tăng độ bám đường mới hy vọng vào được tuyến. |
Với rất nhiều dốc dọc dốc ngang cao, có đoạn dốc đến 15-20 độ lại vào những tuyến đang mở mới, khi gặp trời mưa, đường trơn như bôi mỡ thì việc di chuyển vào tuyến là một thử thách thực sự. Đi bộ đã khó chứ đừng nói đến chuyện đi xe ô tô hay tổ chức thi công. Vì thế, chỉ cần một trận mưa, các đơn vị thi công phải nghỉ vài ngày chờ đường đỡ ướt mới có thể triển khai máy móc thi công tiếp.
Để di chuyển được trên tuyến, vượt qua đoạn đường lầy lội, trơn trượt, Công ty 36.55 cũng như nhiều đơn vị làm đường trên tuyến đã nghĩ ra sáng kiến thiết kế, hàn bộ xích sắt vừa với lốp xe và bọc ngoài lốp. Nhìn cánh lính trẻ hì hụi lắp bộ xích sắt vào lốp xe để tăng độ bám đường mới hy vọng di chuyển được làm chúng tôi càng khâm phục họ. Không ít lần đoàn công tác của Ban quản lý Dự án 47 vào tuyến, gặp trời mưa, không có sẵn “áo giáp”, thì hầu hết đơn vị thi công phải điều xe máy xúc đi theo để “dắt” các xe này vượt qua những quãng đường trơn trên tuyến.
Phải dùng xe máy xúc để “dắt” chiếc xe này ra khỏi những chỗ lầy lội trên tuyến Đường tuần tra biên giới Tây Nguyên. |
Đoàn công tác Ban QLDA 47 vượt qua một đoạn đường trơn trượt khu vực tỉnh Kon Tum. |
Sự khắc nghiệt của mùa mưa Tây Nguyên cùng vô vàn những gian nan không thể kể hết của người lính luôn hiện hữu trên mỗi cung đường. Chẳng thế mà khi đi khảo sát công trường của Công ty 36.55, Tiến sĩ Trần Hồng Mai, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Con đường này chỉ có sự bền bỉ, dẻo dai, sức chịu đựng gian khổ và đặc biệt là kỷ luật sắt của người lính mới có thể làm được. Mỗi chuyến đi thực tế càng làm chúng tôi thêm cảm phục nhiệm vụ mở đường của bộ đội thời bình”.
Hành quân đêm trong rừng Chư Mo Ray. |
Một mùa xuân nữa lại về, trên dọc cung đường tuần tra những ngày Tết Ất Mùi 2015 nhưng đâu đâu cũng thấy không khí khẩn trương nơi công trường của đơn vị thi công đang tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ. Sau gần 10 năm triển khai thi công Đường tuần tra biên giới, các đơn vị, doanh nghiệp đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, ngày đêm mở mới, thi công cầu, đường.
Thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi ấy là hàng nghìn ki-lô-mét đường bê tông nối liền tuyến biên ải của Tổ quốc đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng; góp phần tích cực thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh tuyến biên giới của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta; giúp người dân trên nhiều vùng biên từng bước xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Những tuyến đường này cũng biến nhiều vùng biên ải hẻo lánh trở thành điểm sáng về phong trào phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ đường biên mốc giới; đồng thời củng cố quốc phòng, an ninh, mở mang văn hóa, xã hội ở những nơi xa xôi hẻo lánh trên tuyến biên cương của Tổ quốc nơi tuyến đường đi qua.
Bài, ảnh: VŨ QUANG THÁI
Theo QĐND Online