Chuyển tuyến ngược để giảm tải cho các bệnh viện Nhi đồng
Bệnh nhân nằm la liệt ngoài hành lang tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Bệnh viện căng mình điều trị
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đây là thời điểm các bệnh dịch diễn biến phức tạp nên số bệnh nhi tăng cao. Trong tháng 9, 10 số bệnh nhân đến khám ngoại trú tăng 25%, trong đó hơn một nửa đến từ các tỉnh lân cận. 65% số bệnh nhân điều trị nội trú đến từ các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… chủ yếu là các ca nặng. Ngay trong ngày 9/10, bệnh viện vừa tiếp nhận 10 ca sốt xuất huyêt nặng, bên cạnh đó cũng có không ít ca tay chân miệng nguy kịch.
Bệnh viện đã cố gắng cải tạo, lắp thêm 150 giường, tận dụng các khoảng trống, hành lang nhưng vẫn không đủ, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang, nguy cơ lây chéo rất lớn.
Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, mặc dù bệnh viện đã lường trước việc tăng này theo chu kỳ diễn tiến của các bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh về đường hô hấp…), tuy nhiên số bệnh nhân năm nay tăng cao hơn so với mọi năm. Trong giai đoạn cao điểm vừa qua, số bệnh nhân đến khám ngoại trú tăng 12%, nội trú tăng 5%. Số ca sốt xuất huyết tăng 3,5 lần so với năm ngoái. Hiện bệnh viện đã tăng số giường bệnh nội trú lên 1.750 giường và đang cố gắng hết sức để các bệnh nhân sau 24h nhập viện đều có giường nằm.
Cả hai bệnh viện nhi đều phải tăng cường các bàn khám bệnh, các phòng khám đều hoạt động hết công suất, tăng cường bác sĩ cho các khoa sốt xuất huyết, tay chân miệng, tăng số giường lưu bệnh ban ngày để sàng lọc, xử lý bệnh tại chỗ, tăng thêm giờ khám (khám thông tầm buổi trưa, duy trì các bàn khám sau 7h tối) và khám bệnh cả vào thứ 7, chủ nhật để cố gắng giảm bớt lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú.
Giải pháp nào giảm tải cho các bệnh viện?
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đặt câu hỏi, tình trạng quá tải của 2 bệnh viện đã xảy ra và kéo dài từ lâu, nhưng các giải pháp trước mắt để giảm tải là gì?
Theo lãnh đạo hai bệnh viện, ngoài nỗ lực của chính các bệnh viện, giải pháp trước mắt để giảm tải chính là tăng cường các phòng khám nhi, khoa nhi vệ tinh tại các bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có phòng khám vệ tinh tại 5 bệnh viện quận huyện (Bệnh viện quận 5, quận 6, Tân Phú, Củ Chi, Bình Chánh) và các bệnh viện vệ tinh tại Long An, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng có bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và phòng khám vệ tinh tại các bệnh viện quận huyện (quận 2, quận 9, Cần Giờ…).
Các bệnh viện này đều được chuyển giao công nghệ, có bác sĩ luân phiên về khám bệnh, lọc bệnh, hướng dẫn cho bệnh viện tuyến dưới xử lý cấp cứu nhi như sốc sốt xuất huyết, chăm sóc nhi khoa… Đồng thời, các bệnh viện, khoa vệ tinh có sự liên hệ chặt chẽ với các bệnh viện tuyến cuối, khi có ca khó có thể gọi điện hoặc hội chẩn qua cầu truyền hình để cùng xử lý. Bước đầu cho thấy, tại một số quận huyện như Bình Tân, Tân Phú, số bệnh nhi đến khám đã tăng nhiều, điều này đã góp một phần không nhỏ cho việc giảm tải tại các bệnh viện tuyến cuối.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết, từ tháng 9 đến tháng 12 là thời kỳ cao điểm của bệnh nhi, tuy nhiên năm nay các bệnh viện đều tăng so với cùng kỳ, trong đó các bệnh hô hấp đứng đầu như viêm phế quản cao nhất, tay chân miệng, viêm hô hấp trên… Mặc dù đỉnh dịch đã qua nhưng dự báo dịch bệnh vẫn sẽ còn biến động và kéo dài đến hết tháng 11. Thêm vào đó, điều kiện giao thông thuận lợi, chế độ bảo hiểm y tế ưu việt, đặc biệt đối với trẻ dưới 6 tuổi sẽ khiến lượng bệnh nhân đổ về thành phố ngày một nhiều, vì thế, các bệnh viện cần chủ động trong việc giảm tải.
Về lâu dài, bệnh viện Nhi đồng thành phố đang được khởi công sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016 với 1.000 giường bệnh. Tuy nhiên, trước mắt, các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 cần tăng cường mở các bệnh viện vệ tinh nhi khoa ở phía Nam; mở khoa nhi vệ tinh và phòng khám nhi vệ tinh tại các bệnh viện quận huyện; tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới điều trị các bệnh nặng như tay chân miệng, sốt xuất huyết…
Ngoài ra, các bệnh viện cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển ngược bệnh nhân về các bệnh viện tuyến dưới đối với những bệnh nhân đã được điều trị ổn định (không còn phải thở oxy…). Việc chuyển tuyến này cần phải được thực hiện chu đáo, không chỉ chuyển bệnh nhân mà cần phải chuyển cả kế hoạch điều trị tiếp theo của bệnh nhân cho bệnh viện tuyến dưới, đồng thời có hội chẩn, kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân hàng tuần.
Bệnh viện Nhi đồng thành phố hiện đang khởi công, theo nhà thi công cam kết với thành phố, cuối tháng 6/2016 sẽ xong xây dựng cơ bản, nội trong năm sau sẽ đưa vào hoạt động. Ngay từ khi có quyết định xây dựng bệnh viện, ngành y tế đã chuẩn bị nhân lực: 100 bác sĩ mới ra trường đã được giao cho bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đào tạo trong 2 năm để chuẩn bị cho Nhi đồng thành phố.
Định hướng của thành phố: 3 bệnh viện này đều là bệnh viện nhi tuyến cuối của phía nam. Trong đó Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu, sơ sinh, bệnh lý nhiễm trùng, dịch bệnh trẻ em, phẫu thuật tim bẩm sinh và ghép tủy cho trẻ bị bệnh lý về máu. Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu, sơ sinh, ghép tạng trẻ em, thần kinh. Bệnh viện Nhi thành phố sẽ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu, sơ sinh, ung bướu.
BS Tăng Chí Thượng cho biết, 23 bệnh viện quận huyện đều đã thành lập khoa nhi nhưng nhân lực, phương tiện còn khó khăn, sẽ đẩy mạnh chất lượngtrong thời gian tới; cần tăng cường năng lực, chất lượng khám chữa bệnh của các trạm y tế. Đây là công việc rất khó nhưng Sở Y tế sẽ kiên quyết làm, trong vòng 5 năm tới mỗi trạm có ít nhất 2 bác sĩ; ra được phác đồ xử lý cho trạm y tế.