Chuyên gia Nga tiết lộ lý do khiến giá dầu “lao dốc không phanh”
Theo ông Edgar Kuplais, giá dầu trong quý I sẽ tiếp tục phải chịu áp lực và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khó lòng tìm thấy nguồn dự trữ đủ để giảm sản lượng khai thác bù đắp sản xuất dư thừa song song với nhu cầu ngày càng giảm từ phía Trung Quốc.
Giá dầu giảm mạnh do sự bùng phát của Covid-19. (Ảnh minh họa). |
Đầu tháng 2, các phương tiện truyền thông loan tin ở Trung Quốc giảm 20% nhu cầu tổng lượng tiêu thụ dầu trong giai đoạn này do sự bùng phát của dịch Covid-19. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ thời khủng hoảng toàn cầu những năm 2008-2009.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, hôm 20/2, Nga vẫn duy trì liên lạc với các nước OPEC+ về các hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu. Thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu hiện nay giữa tổ chức OPEC và các đồng minh dẫn đầu là Nga dự kiến hết hạn vào cuối tháng 3/2020.
Nga đã đóng vai trò là trung tâm liên minh giữa các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC, gọi là OPEC+, khi họ bắt đầu hành động hợp tác trên thị trường dầu mỏ năm 2016. Các quốc gia OPEC+ dự kiến nhóm họp trong đầu tháng 3/2020 để bàn luận hành động tiếp theo, nhưng đã có những lời kêu gọi đưa ra cuộc họp sớm hơn dự kiến, do ảnh hưởng của Covid-19 tới giá dầu.
“Giá dầu phản ứng với mức giảm 25% và sự thay đổi bất ngờ trong tình hình thị trường, từ việc giảm nguồn cung do kết quả hành động của OPEC cho đến sản xuất dư thừa đáng kể vì nhu cầu giảm mạnh ở châu Á”, ông Edgar Kuplais cho biết thêm.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc giảm 20%, tương đương với 3 triệu thùng/ngày. Vào tháng 1, sản lượng dầu của OPEC đã giảm xuống còn khoảng 28 triệu thùng/ngày, mức giảm thấp nhất kể từ năm 2009. Kể từ khi mốc đỉnh điểm hồi cuối năm 2016, sản lượng chung đã giảm tổng cộng 5,8 triệu thùng/ngày”, ông Edgar Kuplais nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Edgar Kuplais, một nửa mức giảm này xảy ra ở các quốc gia mà sản xuất phải chịu ảnh hưởng do tình hình chính trị hoặc kinh tế không thuận lợi như ở các nước Venezuela, Iran, Libya.
Theo các chuyên gia, việc phong tỏa nhiều thành phố tại tỉnh Hồ Bắc cũng như hạn chế đi và đến Trung Quốc nhằm tránh lây lan Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này sụt mạnh. 2 nhà máy lọc dầu lớn nhất của Trung Quốc cho biết họ sẽ giảm công suất khoảng 940.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 7% sản lượng lọc dầu năm 2019) do mức tiêu thụ giảm.
Ước tính có đến 56 triệu người Trung Quốc không thể đi lại khiến lưu lượng giao thông giảm 86%, theo Bộ Giao thông Trung Quốc.