Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc khoác lác về tàu ngầm và tên lửa JL-2
Đội tàu ngầm Type 094 được trang bị thế hệ tên lửa JL-2 mới của Trung Quốc. |
Hồi tuần trước, Thời báo Hoàn cầu (phiên bản của tờ Nhân dân nhật báo thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc) cùng với hàng loạt tờ báo khác của nước này đã chạy những bài viết khoe khoang rầm rộ về khả năng của những chiếc tàu ngầm hạt nhân và loại tên lửa JL-2 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Để “tô vẽ” cho năng lực của những mẫu vũ khí mới này, các tờ báo đã khẳng định tên lửa JL-2 “có khả năng tấn công vào các thành phố ở bờ Tây của nước Mỹ mà không cần phải rời khỏi chuỗi đảo thứ 2”.
Theo thông tin được các tờ như The Washington Times, WantChinaTimes, Daily Mail (Anh)… trích dẫn lại từ báo chí Trung Quốc, quân đội nước này đã lên kế hoạch cho đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type 092 lớp Hạ “về hưu sớm” và thay vào đó là đội tàu Type 094 được trang bị thế hệ tên lửa JL-2 mới.
“Bởi vì các bang ở miền Trung Tây của nước Mỹ có dân cư khá thưa thớt nên để tăng mức độ sát thương, các tàu ngầm của chúng ta nên nhắm đến những thành phố lớn ở bờ Tây như Seattle, Los Angeles, San Francisco và San Diego”, Washington Times và Daily Mail trích dẫn lại một đoạn trên bài báo của Thời báo Hoàn cầu, “Với 12 quả tên lửa JL-2 mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên một chiếc tàu ngầm Type 094, chúng ta có thể tiêu diệt từ 5 đến 12 triệu người Mỹ”.
Sự hung hăng và ngôn từ thể hiện một trình độ văn hóa kém như thế này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng tờ The WantChinaTimes của Đài Loan cho rằng, các bài báo đăng trên Thời báo Hoàn cầu được khá nhiều “nhà phân tích” của quân đội Trung Quốc thêm thắt ngôn từ hay chi tiết chứ không đơn thuần là tác phẩm của các phóng viên.
Tạm thời bỏ qua những lời lẽ “sặc mùi thuốc súng” này thì những chi tiết khác của loại tên lửa JL-2 mà truyền thông Trung Quốc khoe khoang cũng khiến các chuyên gia nghi ngờ. Theo ví dụ mà tờ Daily Mail đưa ra thì “Tên lửa JL-2 có tầm bắn vào khoảng 8.700 dặm (khoảng 14.000km) và có thể tấn công gần như mọi mục tiêu trên lãnh thổ nước Mỹ với đầu đạn mục tiêu độc lập (MIRV)”. Nhưng theo những thông tin vừa được cập nhật trong báo cáo thường niên về khả năng tấn công hạt nhân của Trung Quốc do tạp chí Nhà khoa học hạt nhân thực hiện thì JL-2 chỉ là mẫu tên lửa “bước đầu hoàn thiện khả năng hoạt động” với khả năng mang theo 1 đầu đạn hạt nhân duy nhất với tầm bắn chỉ 7.000 km nhưng điều quan trọng là chúng chưa bao giờ được bắn thử nên tỷ lệ thành công vẫn là một dấu hỏi lớn. Với tầm bắn 7.000 km thì rõ ràng là các tàu ngầm của Trung Quốc không thể nào đứng ở trong chuỗi đảo thứ 2 mà sẽ phải rời rất xa khỏi lãnh hải của nước này mới có hy vọng tấn công vào bờ biển Mỹ.
Tên lửa đạn đạo JL-2 của Trung Quốc |
Loại tên lửa mà Daily Mail đề cập đến rất có thể là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A của Trung Quốc. Ngay trước khi câu trích dẫn ở trên, tờ Daily Mail dẫn lời tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết: "Nếu chúng ta triển khai DF -31A trên Bắc Cực, chúng ta có thể dễ dàng tiêu diệt một loạt các đô thị lớn trên bờ biển phía Đông và vùng New England của Hoa Kỳ, bao gồm Annapolis, Philadelphia, New York, Boston, Portland, Baltimore và Norfolk, có dân số chiếm khoảng một phần tám trong tổng số cư dân của Hoa Kỳ".
The Washington Times chọn các trích dẫn tương tự từ tờ Global Times.
Tên lửa DF- 31A là một loại tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn khoảng 11.000 km ( hơn 7.000 dặm). Đây là một phiên bản mở rộng của tên lửa DF- 31, mà JL- 2 được cho là một phiên bản khác của nó. Theo các chuyên gia Kristensen và Morris - tác giả của Báo cáo do tạp chí Nhà khoa học hạt nhân công bố - ước tính rằng Trung Quốc có khoảng 20 tên lửa DF- 31A, ít hơn nhiều so với con số từ 75 - 100 mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính.
Mặc dù Kristensen và Morris khẳng định DF-31A mới chỉ có khả năng mang theo một đầu đạn duy nhất thì các báo cáo khác lại cho rằng Trung Quốc đã thử nghiệm đầu đạn MIRV phiên bản dành cho tên lửa DF-31A.
Bất chấp những khác biệt này, có một điều mà tất cả đều công nhận là lực lượng tên lửa tấn công chiến lược của Trung Quốc đang được gia tăng nhanh chóng. Kristensen và Morris nhắc nhở rằng “Trung Quốc là nước duy nhất trong nhóm 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân, đang âm thầm gia tăng số lượng chứ không giải trừ như các nước khác”.
“Bên cạnh việc gia tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân thì các thế hệ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng, kém linh hoạt, độ chính xác thấp của Trung Quốc đang dần dần được thay thế bằng những tên lửa nhiên liệu rắn và độ chính xác cao”, các tác giả của báo cáo viết.