Chuyên gia Mỹ: “Nhật nên tăng cường quốc phòng chống Trung Quốc”
Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Armitage. |
“Trước tiên Nhật Bản nên có năng lực quốc phòng đủ mạnh để ngăn ngừa những hành động như vậy. Đó là nhiệm vụ đầu tiên của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia”, ông Armitage, một chuyên gia nổi tiếng về châu Á, nhận xét.
“Nhật Bản có năng lực rất hạn chế bởi lẽ trong hơn 1 thập kỷ qua, Nhật Bản không đầu tư đúng mức cho quốc phòng”, ông nói tiếp.
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Armitage nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Nhật Bản phải thúc đẩy năng lực quốc phòng để giảm bớt sự lệ thuộc vào quân đội Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã đưa ra quan điểm của mình rằng quần đảo tranh chấp thuộc phạm vi hiệu lực của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Tuy nhiên, Washington vẫn cố gắng tỏ ra trung lập trong cuộc tranh chấp Nhật – Trung.
"Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thay đổi quan điểm của mình. Chúng tôi nghĩ vấn đề Senkaku phải được giải quyết một cách hòa bình”, ông Armitage nói.
Quần đảo không người ở này hiện đang chịu sự quản lí của chính quyền thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa. Thế nhưng Trung Quốc tuyên bố quần đảo này là của mình và gọi là Điếu Ngư còn Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo và gọi là Điếu Ngư Đài.
Theo chuyên gia Armitage, Hoa Kỳ quyết định không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp này sau khi quần đảo trở về dưới sự quản lý của chính quyền Nhật Bản vào năm 1972. Vào năm đó, cả Trung Quốc và Đài Loan đều “đòi” Hoa Kỳ không được công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo này.
Ông Armitage cho rằng mặc dù tình hình hiện nay rất căng thẳng nhưng khả năng leo thang thành xung đột quân sự Nhật – Trung là “rất thấp”.
Tuy nhiên, ông cho rằng “căng thẳng sẽ vẫn leo thang cho tới khi nào chính quyền ở Tokyo và Bắc Kinh hoàn tất việc chuyển giao quyền lực”, ám chỉ tới sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp cho ra mắt thế hệ lãnh đạo mới của nước này và cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra ở Nhật.
Về cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo trên biển Nhật Bản giữa Tokyo và Seoul, ông Armitage cho rằng tại Hàn Quốc “không ai muốn tỏ ra yếu đuối” do vào tháng 12 tới nước này sẽ tổ chức bầu cử tổng thống.
“Vì thế mặc dù bạn có thể đúng khi cho rằng chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao, nhưng một phần lí do của căng thẳng hiện nay liên quan đến việc thay đổi quyền lực. Tôi nghĩ sẽ cần có thêm một chút thời gian, một chút kiên nhẫn và phải để các cuộc bầu cử được hoàn tất thì chúng ta mới có thể đi tiếp được”, ông nói.
Ông Armitage nhấn mạnh rằng “ba nền dân chủ lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc” nên “hòa thuận với nhau” trong lúc Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ.
“Tôi nghĩ một số việc cần phải đợi đến đúng thời điểm, nhưng không may là tháng này và tháng tới có thể không phải là thời điểm thích hợp”, ông nói.