Chuyên gia Mỹ khuyên chính quyền Obama nhượng bộ Iran
“Áp đặt các lệnh cấm vận là việc rất dễ dàng và sau đó chúng ta có thể tự bảo mình rằng: “Chúng ta đã thực sự không còn cách nào khác nữa rồi. Nhưng tôi lại thấy rằng nếu bạn càng thúc ép chính quyền này thì họ sẽ lại càng lún sâu hơn nữa vào chương trình hạt nhân”, ông Crocker nhận định.
Bên trong nhà máy làm giàu uranium của Iran. |
Theo tạp chí Los Angeles (Los Angeles Times), ông Crocker là một trong số 35 cựu chuyên gia cấp cao về chính sách ngoại giao và tình báo của Mỹ, là người có nhiều kinh nghiệm về Trung Đông và đã từng thúc giục Nhà Trắng cũng như Quốc hội Mỹ thay đổi cách thức thuyết phục Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Các cựu chuyên gia này hợp tác thành một nhóm phi đảng phái tự gọi là Dự án Iran. Nhóm này bao gồm Thượng nghị sĩ Richard G. Lugar, cựu giám đốc CIA Michael Hayden, cựu Đại sứ Mỹ ở Nga Thomas Pickering và nhà ngoại giao James Dobbins.
Crocker và nhóm của ông không muốn các lệnh cấm vận phải được dỡ bỏ ngay lập tức. Ông Crocker cho rằng bằng cách chặn đứng hoạt động ngoại thương của Iran về một số công nghệ then chốt, Mỹ đã làm chậm chương trình hạt nhân của Iran và chương trình hiện đại hóa quân sự của nước này. Tuy nhiên, nhóm này cũng cho rằng bản thân lập trường cứng rắn không có tác dụng.
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, các chính quyền Mỹ nối tiếp nhau tấn công Iran bằng một loạt các lệnh cấm vận kinh tế. Gần đây, các lệnh cấm vận của Mỹ đã làm giảm một nửa lượng dầu thô xuất khẩu của Iran, giảm giá trị đồng nội tệ và cắt đứt một số hoạt động giao thương then chốt trong đó có dược phẩm.
Và có khả năng các lệnh cấm vận mới sẽ được áp đặt. Quốc hội đã bắt đầu làm việc về cơ sở pháp lý và có thể sẽ áp đặt các lệnh cấm vận “chặn” toàn bộ hoạt động ngoại thương của Iran.
Tuy nhiên, trong lúc các hoạt động ngoại giao với Iran bị đình hoãn, một số quan chức chính quyền Mỹ đã sẵn sàng đề ra một biện pháp nhằm giúp Iran “giữ thể diện” và tái khởi động các cuộc đàm phán.
Trong vòng đàm phán cuối cùng diễn ra hồi tháng 2 ở Kazakhstan, Hoa Kỳ và 5 cường quốc khác đã đưa ra một số nhượng bộ nhỏ, trong đó có việc nới lỏng các hoạt động thương mại sử dụng vàng cũng như các kim loại có giá trị khác và nới lỏng một số điều khoản hạn chế xuất khẩu chất hóa dầu nếu người Iran đồng ý dừng sản xuất uranium làm giàu mức độ trung bình. Tuy nhiên, phía Iran không chấp nhận đề nghị đó.
Michael Singh, cựu quan chức Mỹ dưới thời chính quyền Bush cho rằng: “Một số người trong chính quyền Mỹ có lẽ đã nghiêng theo hướng nhân nhượng hơn nữa với người Iran” trong những tháng tiếp theo tuy nhiên theo ông này chiến lược đó sẽ không có tác dụng.
Các quan chức Mỹ đang lo ngại rằng Iran có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân trong khi các nhà lãnh đạo ở Tehran thì khăng khăng cho rằng họ đang phát triển năng lực hạt nhân vì các mục đích dân sự.
Nhiều quan chức Mỹ cho rằng quan điểm của nhóm Dự án Iran là lập trường của những người theo tư tưởng tự do, muốn “tặng” cho giới lãnh đạo bảo thủ của Iran những thứ mà họ không đáng được hưởng. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ lại dường như bác bỏ các điểm khác biệt giữa Nhà Trắng và nhóm Dự án Iran. Trong một tuyên bố của mình, Nhà Trắng khẳng định mong muốn “vừa sử dụng các lệnh cấm vận nghiêm khắc và các cuộc thương lượng nghiêm túc” để lôi kéo Iran vào bàn đàm phán.
“Nếu có cơ hội thành công, chúng tôi sẽ dùng biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, xét đến cùng, trách nhiệm vẫn thuộc về Iran”, vị quan chức giấu tên của Nhà Trắng cho biết.
Nếu chính quyền Mỹ nhân nhượng thì có nguy cơ sẽ xung đột với Quốc hội và với Israel, quốc gia không muốn nới lỏng sức ép với Iran cho tới khi nước này dừng chương trình hạt nhân của mình.
Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban ngoại giao của Hạ viện Mỹ, đã bắt đầu thúc đẩy các lệnh cấm vận mới và đã nhận được sự ủng hộ của 340 nghị sĩ khác.
“Chúng ta sẽ tấn công nền xuất khẩu dầu mỏ của Iran, chặn đứng nguồn giao dịch tiền tệ của Iran với nước khác và tấn công các lãnh đạo tàn bạo của nước này”, ông Royce nói và sau đó ủy ban trên nhất trí thông qua dự luật trừng phạt Iran.
Nhưng theo ông Crocker, cách tiếp cận cứng rắn về vấn đề Iran sẽ không có tác dụng.
Ông cho rằng lịch sử đã chứng minh Tehran sẽ không lùi bước trước bất kỳ điều gì khác trừ một cuộc chiến tranh tổng lực giống như cuộc chiến giữa nước này và Iraq hồi những năm 1980. Nhưng ông cũng cho rằng chính quyền Iran có thể sẽ nhượng bộ nếu họ thấy có lợi ích trong con đường đó.
Trong một báo cáo hồi tháng trước của nhóm Dự án Iran, các lệnh cấm vận đã khiến chính quyền Iran tăng cường đàn áp và tham nhũng đồng thời đẩy Iran tăng tốc chương trình hạt nhân của mình.
“Càng gia tăng sức ép thì có thể sự phản kháng lại càng lớn hơn”, báo cáo này nhận định.