Chuyên gia Mỹ: “Cấm vận sẽ chỉ có lợi cho Nga”
Cũng theo kênh PressTV(Iran), nhà kinh tế học này cho rằng các lệnh cấm vận của Mỹ sẽ chỉ càng khuyến khích Mátxcơva rút lui khỏi “hệ thống bóc lột của Washington”.
Hôm qua (28/4), Nhà Trắng thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt mới với 7 quan chức Nga và 17 công ty có mối quan hệ “thân cận” với Tổng thống Vladimir Putin. Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt các lệnh cấm cận đối với một số quan chức Nga khác và một ngân hàng Nga. Tất cả các lệnh cấm vận này đều nhắm tới các cá nhân và doanh nghiệp cụ thể mà không nhắm tới toàn bộ nền kinh tế Nga.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. |
Trong khi trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đe dọa Mátxcơva rằng Mỹ có thể sẽ áp đặt các lệnh cấm vận đối với các ngành kinh tế then chốt của Nga như tài chính, năng lượng, kim loại và khai thác mỏ, cơ khí và công nghiệp quốc phòng.
“Các lệnh cấm vận của Mỹ chẳng có ý nghĩa gì khác ngoài việc tuyên truyền vu vơ. “Tác dụng” chính của các lệnh cấm vận này là khuyến khích chính quyền Nga rút lui khỏi các hệ thống thanh toán dựa trên đồng đô la nơi các lệnh cấm vận này được thực thi”, nhà kinh tế Paul Craig Roberts nhận định.
“Tôi vẫn chưa thể giải thích nổi tại sao những quốc gia như Nga và Trung Quốc lại tham gia vào các hệ thống thanh toán sử dụng đồng đô la do các hệ thống này là công cụ cho chủ nghĩa đế quốc về chính trị và tài chính của Mỹ. Không quốc gia nào tham gia vào hệ thống thanh toán này của Washington có thể độc lập trong việc ra chính sách”, ông Roberts nhận xét tiếp.
Gọi các lệnh cấm vận chính quyền Obama là sự “ngu ngốc”, ông Roberts cho rằng: “Nga sẽ chỉ thu lợi từ các lệnh cấm vận này bởi lẽ các lệnh cấm vận sẽ khuyến khích Nga rút lủi khỏi hệ thống bóc lột và có lẽ các quốc gia BRICS sẽ đi theo Nga. Một khi các quốc gia dừng sử dụng đồng đô la để dự trữ ngoại tệ hay làm phương tiện thanh toán quốc tế, vị thế lãnh đạo của Mỹ sẽ bị suy giảm”.
Nga khẳng định sẽ có hành động đáp trả khiến Mỹ “đau đớn” và cho rằng Washington “đã hoàn toàn không nắm bắt tình hình thực tế và đang làm leo thang “cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine”.
Ngày 17/3, Cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và chính thức trở thành một phần lãnh thổ Nga sau khi tiến hành trưng cầu dân ý với 97% dân số ủng hộ.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine đã ra lệnh cho quân đội trấn áp người biểu tình thân Nga ở các vùng phía đông sau khi những người này chiếm đóng các tòa nhà chính quyền.
Hoa Kỳ tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea và cáo buộc Nga “can thiệp phi pháp vào Ukraine và có những hành động khiêu khích xâm phạm tới nền dân chủ của Ukraine”.
“Chính quyền Obama tiếp tục giả bộ rằng một số quan chức và doanh nghiệp Nga phải chịu trách nhiệm về việc Crimea quay trở lại với nước Nga. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng là việc Crimea quay trở lại với Nga là kết quả dành cho chính nhân dân Crimea với 97% số người tham gia trưng cầu dân ý ủng hộ bán đảo này sát nhập với Nga, sau khi Khrushchev (Tổng bí thư ĐCS Liên Xô) tách Crimea khỏi Nga vào những năm 1950”, ông nhận xét.