Chuyện cổ tích về lão nông mù sửa điện tử giỏi nhất xã
Tìm về thôn Bình Thọ, xã Cẩm Yên, khi được hỏi về ông Sỹ “mù” giỏi làm kinh tế, chúng tôi được người dân ở đây chỉ đường tận tình. Cảm nhận chung khi được hỏi về ông Sỹ là người “tàn nhưng không phế”, mọi người dân thôn Bình Thọ đều khâm phục về sự nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua hoàn cảnh của ông Sỹ “mù”.
Tai nạn cướp mất đôi mắt
Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Sỹ vui vẻ rót nước mời khách rồi trầm ngâm kể về cuộc đời nhiều sóng gió thăng trầm mà ông đã trải qua.
Sau trận ốm ông Sỹ tự mày mò thiết bị điện tử để rồi trở thành một người thợ sửa đồ điện ở trong xã. |
Ông Sỹ nhớ lại, năm 12 tuổi, chưa học xong lớp 3, trong một lần đi chăn trâu chơi đùa cùng bạn bè không may ông bị trượt ngã đứt dây thần kinh thị giác. Mặc dù gia đình đã đưa ông đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Cuộc đời ông từ đó trời đất, ngày đêm một màu đen, nét mặt cha mẹ, anh chị em và bạn bè cùng trang lứa chỉ còn trong trí nhớ.
“Ngày đó gia đình đưa tôi đi chữa các thầy lang trong vùng, họ dùng vôi và trầu xát vào mắt tôi. Càng chữa tôi càng đau đớn cuối cùng đôi mắt tôi mờ hẳn, không còn thấy bất cứ thứ gì. Từ đó tôi dần quen với bóng tối” – ông Sỹ kể.
Không đầu hàng số phận, ông Sỹ đã cố gắng vượt qua những ngày dài chìm trong nỗi tuyệt vọng, sự tự ti, mặc cảm, tự rèn luyện bản thân quen dần với hoàn cảnh hiện tại, học cách di chuyển, tự làm những việc vặt giúp cha mẹ…Dần dần ông đã có thể theo bạn bè đi mò cua, bắt cá khắp làng kiếm thêm phụ giúp gia đình.
Năm 20 tuổi, thông qua mai mối, ông và một cô gái sống cùng huyện Cẩm Xuyên kết hôn, có 2 con. Ngỡ rằng niềm hạnh phúc đó có thể mang đến sức mạnh để vợ chồng ông Sỹ vượt qua những khó khăn của cuộc sống, thế nhưng, số phận nghiệt ngã chưa buông tha người đàn ông khiếm thị. Năm 1995, trong lần đi chăn bò, hai con 5 và 8 tuổi của ông bị ngã sông chết đuối.
"Biến cố ấy khiến cả gia đình suy sụp. Tôi và vợ sống với nhau thêm một thời gian nữa nhưng không thể sinh thêm con. Cô ấy buồn rầu, bỏ về nhà ngoại, tôi một mình cô đơn" - ông Sỹ nhớ lại.
Sau những nỗi đau, sụp đổ tinh thần, bản lĩnh vốn có trong con người ông tiếp tục trỗi dậy, ông tiếp tục gắng gượng vượt qua tất cả. Thế rồi, số phận sắp đặt, trong một lần bà Nguyễn Thị Nguyệt (cùng huyện Cẩm Xuyên, người đã 1 lần dang dở) đi gặt lúa gặp ông Sỹ.
Ngay lần đầu gặp gỡ, những cảm thông thấu hiểu giữa 2 người khiến họ như đã tìm lại được những gì còn thiếu trong cuộc đời. Từ đó “mối tình rổ rá” bện chặt, họ quyết định cùng nhau bước thêm một lần nữa.
Năm 1999, họ tổ chức đám cưới, tuy không có mâm cao cỗ đầy, nhưng đầm ấm, hạnh phúc của hai bên gia đình. Ba năm sau ngày cưới, bà Nguyệt sinh cô con gái Đinh Thị Huế khỏe mạnh, xinh xắn.
Làm kinh tế giỏi, sửa đồ điện hay
Sau những năm đến với nhau, vợ chồng ông Sỹ không ai bảo ai mà cứ thế cố gắng làm lụng nuôi con khôn lớn.
Từ ruộng vườn rộng hơn 1 mẫu của cha mẹ để lại, vợ chồng ông quyết tâm cải thiện kinh tế, tăng thu nhập từ trồng lúa, rau màu, chăn nuôi bò, lợn, gà và chim bồ câu…Ông bà tích lũy, vay mượn để mua con bò nái đầu tiên, rồi dần nhen lên 3 con bò sinh sản, mỗi năm lại sinh bê con để ông bà chăm sóc, tăng nguồn thu.
Cũng với cách làm lấy ngắn nuôi dài, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông hiện đã có thêm 1 con heo nái và gần 10 con lợn thịt, hàng trăm con chim bồ câu và gà... Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông Sỹ còn tích lũy được 30 – 40 triệu đồng.
Ngôi nhà khang trang, nỗi bật ở vùng quê nghèo xã Cẩm Yên của ông Sỹ "mù" |
“Ngày trước, tôi thường đi mò cua bắt ốc, thả lưới bắt cá, sau một lần đi bắt cá dầm mưa về bị cảm hàn nặng nên từ đó tôi không đi nữa mà dành thời gian để nghiên cứu các thiết bị điện trong nhà, mày mò sửa chữa quạt điện, đài radio, loa máy...”, ông Sỹ cho biết về cơ duyên với nghề sửa đồ điện tử của mình.
Ông có riêng một bì tải đựng đồ nghề như ốc vít, tuốc nơ vít, các thiết bị điện. Trong nhà luôn có quạt điện, loa hỏng của người dân tới nhờ sửa chữa. Cứ thiết điện bị nào gặp vấn đề, khi qua tay ông Sỹ đều hoạt động trở lại. Hệ thống điện trong nhà mỗi khi gặp trục trặc, ông Sỹ đều ngắt cầu dao và tự sửa.
"Để sửa chữa một thiết bị, tôi thường mở nó ra lần mò các dây, mạch của nó. Có khi phải mở cái hoạt động bình thường để tìm hiểu rồi mới sửa cái đã hỏng. Nhiều lúc sửa chữa một thiết bị, tôi phải căng dây điện, tìm mạch đứt, có khi mất vài tiếng mới xong”, ông Sỹ cho biết cách ông làm việc với các thiết bị điện tử.
Ông Sỹ cũng cho biết, thiết bị nào cháy hẳn thì ông chịu, còn hỏng hóc mạch bên trong thì tự nối được. "Cứ đến mùa hè, tôi đắt khách hơn, mọi người thường đem quạt điện hỏng tới sửa. Tiền công để mua thêm ít thực phẩm, cải thiện bữa ăn cho gia đình", ông Sỹ nói.
Nói về cuộc sống gia đình, vợ ông Sỹ chia sẻ, dù cả 2 đến với nhau đều khó khăn nhưng vợ chồng bà luôn “đồng sức đồng lòng” vượt qua tất cả. Quá trình sinh sống, bà rất hạnh phúc khi ông tâm lý, giỏi việc đồng áng. Không nhìn thấy ánh sáng, nhưng ông luôn giành làm hết các phần việc nặng hơn về mình.
“Bây giờ chúng tôi không phải tự hào gì nhưng nhìn lại những chuỗi ngày khó khăn để có kết quả như ngày hôm nay thì cũng thấy khá bằng lòng. Nhìn ra xã hội thì mình không bằng ai nhưng so với thân phận của vợ chồng tôi như thế cũng được rồi. Đặc biệt hơn là chúng tôi luôn hạnh phúc vì con gái ngoan ngoãn, học giỏi tạo niềm hãnh diện cho bố mẹ với bà con lối xóm” – bà Nguyệt vui vẻ chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Chủ tịch xã Cẩm Yên cho biết, bằng sự nỗ lực, vượt qua nghịch cảnh, hiện gia đình ông Sỹ có kinh tế tốt, xứng đáng là tấm gương cho nhiều người noi theo. Với tài năng và sự đóng góp cho địa phương, ông Sỹ nhiều lần được huyện và tỉnh tặng bằng khen.