Chướng bụng, phân bạc màu, coi chừng bệnh hiếm gặp
Các bác sĩ thực hiện ca mổ cho bệnh nhi |
Bé Đỗ Gia T (18 tháng tuổi, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) được gia đình phát hiện có biểu hiện lạ từ tháng 8-2018. Gia đình cho biết, thời gian đó cháu hay chướng bụng, đi ngoài phân bạc màu. Khi đưa cháu tới bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, qua siêu âm bác sĩ phát hiện cháu có khối u đầu tụy, kết quả sinh thiết cho thấy cháu T mắc u nguyên bào tụy.
Sau khi điều trị hóa chất tại khoa Ung bướu 3 đợt, đầu tháng 1-2019, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp quyết định mổ cắt khối tá tụy cho cháu. Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Duy Hiền – Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nôi soi nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là ca phẫu thuật phức tạp của ổ bụng. “Đối với cháu bé 18 tháng tuổi thì việc phẫu thuật gặp khó khăn hơn rất nhiều do vị trí khối u nằm sát những bó mạch lớn trong ổ bụng. Sau khi khối u được cắt bỏ cùng với khối tá tụy, các bác sĩ tái thiết lập lưu thông tiêu hóa gồm 3 miệng nối: tụy – ruột, mật – ruột; dạ dày – ruột”. – bác sĩ Hiền chia sẻ.
Cũng theo tiến sĩ Hiền, thời gian phẫu thuật kéo dài cùng những khó khăn do vị trí khối u gây nên, đồng thời phải thực hiện 3 miệng nối tiêu hóa, đặc biệt là miệng nối mật ruột với đường kính ống mật chủ rất nhỏ(chỉ 3-4mm). Chính vì vậy ca phẫu thuật yêu cầu phải có hệ thống phẫu thuật viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, ê kíp gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm. Ca phẫu thuật cho cháu Th được lãnh đạo và các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp cùng với Khoa Gây mê hồi sức thực hiện thành công, sau mổ 7 ngày cháu bé đã hồi phục và có thể sinh hoạt bình thường trở lại. Bác sĩ Hiền cho biết, u nguyên bào đầu tụy là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em, trong vòng 10 năm nay mới có 2 trường hợp được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau khi phẫu thuật cho cháu T, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp tiếp tục thực hiện phẫu thuật cho cháu Hoàng Bảo N (8 tuổi, ở Hải Phòng) bị u gan. Đây là ca phẫu thuật khó vì khối u ở gan phải của cháu N khi phát hiện đã to, huyết khối lấp đầy tĩnh mạch cửa phải và một phần tĩnh mạch cửa trái. Theo gia đình cháu N, tháng 6 năm 2016 cháu có biểu hiện chảy máu cam, đau bụng, nhưng đi khám, siêu âm không phát hiện thấy bất thường. Đến tháng 5 năm 2018, cháu đột nhiên sút 2kg, đau bụng 2 ngày, gia đình đưa đi khám mới phát hiện cháu bị u gan phải, lúc này kích thước khối u đã lên tới hơn 7cm. Kết quả sinh thiết khối u qua kim sinh thiết cho thấy cháu mắc căn bệnh u nguyên bào gan. Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa Ung bướu, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh, cháu được điều trị hóa chất 10 đợt tại Khoa Ung bưới của Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả khối u nhỏ bớt so với thời điểm mới phát hiện, gan phải teo nhỏ, gan trái phì đại, tuần hoàn bàng hệ vùng rốn gan rất phát triển, còn huyết khối tĩnh mạch cửa phải và một phần tĩnh mạch cửa trái.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp đã quyết định phẫu thuật cắt gan phải cho cháu. Khó khăn của ca phẫu thuật là ngoài việc cắt gan phải ra còn phải lấy hết huyết khối ở nhánh tĩnh mạch cửa trái, vì vậy ca phẫu thuật được tiến hành trên sự kết hợp của nhiều chuyên khoa gồm: TS Phạm Duy Hiền cùng các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Gây mê hồi sức và nhóm phẫu thuật mạch máu.
Bằng sự nỗ lực của tất cả các bác sĩ, 2 ca phẫu thuật đều thành công, hồi sức sau mổ tốt nên các cháu không có biến chứng, sức khỏe hồi phục gần như bình thường. Hiện hai cháu tiếp tục được theo dõi, quản lý sau mổ ở Khoa Ung bướu của bệnh viện.