Chủng loại vũ khí nào bảo vệ Nga trước chính sách 'xâm lược' của NATO?
Tuyên bố trên được Giáo sư quân sự Kostantin Sivkov, Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị của Nga đưa ra.
Một trong những loại vũ khí chiến lược của Nga. |
Trước đó, Đại diện toàn quyền của Nga tại NATO Aleksandr Grushko đã đưa ra thông báo về một số kết quả của phiên hợp Hội đồng Nga-NATO. Theo đó, việc NATO đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu đã buộc Moscow phải có những điều chỉnh nhất định trong chính sách và đường lối xây dựng quân sự của mình.
“Tất cả những gì ông Grushko đã nói đã được phía Nga dự đoán từ trước. Phiên họp của Hội đồng Nga-NATO đã không đem lại bất cứ điều gì mới. Tôi xin nhấn mạnh rằng chính sách quân sự hiếu chiến công khai của NATO chống Nga chỉ có thể thực hiện được nếu như bối cảnh chính trị Nga mất hoàn toàn ổn định. Tuy nhiên, việc Nga sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ loại bỏ hoàn toàn được các mối đe dọa tương tự trong bất cứ kịch bản nào”- Kostantin Sivkov tuyên bố.
Lực lượng không cân bằng
Kostantin Sivkov nhấn mạnh rằng tương quan lực lượng hiện nay, xét trên khía cạnh vũ khí thông thường và số lượng quân nhân, đang bất lợi cho Nga. Để có thể phản ứng một cách thích đáng đối với bất cứ hành động xâm lược nào của NATO, quân số của Quân đội Nga cần phải tăng thêm 1,5 lần nữa (từ 1 triệu lên thành 1,5 triệu binh sỹ).
“Hiện nay, tiềm lực tổng thể về kinh tế và quân sự của các nước NATO đang vượt qua tiềm lực tương tự của Nga. Liên minh quân sự NATO có khả năng xây dựng một lực lượng quân sự có quân số gấp 10 lần quân số Quân đội Nga. Để có thể chống lại sự bành trướng của NATO, Nga phải xây dựng lực lượng quân sự có quân số 1,5 triệu người chứ không phải 1 triệu như hiện nay”- Kostantin Sivkov nhấn mạnh.
Lính NATO tập trận gần biên giới Nga |
Đề cập đến việc triển khai lực lượng phi vũ trang hiện đại ở khu vực phía Tây nước Nga, Kostantin Sivkov nhấn mạnh rằng ở khu vực này, Nga đang có sự nhượng bộ nhất định với NATO. Số lượng các tổ hợp tên lửa chiến thuật-chiến dịch của Mỹ bố trí ở châu Âu ATACMS (Army Tactical Missile System) vượt trội gấp 5 lần so với số lượng tên lủa cùng loại của Nga là Iskander- loại tên lửa đang trực chiến ở sườn Tây của Nga.
Các mối đe dọa sẽ được nghiên cứu
Theo thành viên của Hội đồng xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Tổng Biên tập Tạp chí “Quốc phòng” Igor Korotchenko, phiên họp Hội đồng Nga-NATO một lần nữa cho thấy NATO đã từ chối khả năng tiến hành đối thoại thực sự với Moscow và sẽ không từ bỏ đường lối chống Nga của mình.
“Trong quá trình họp Hội đồng Nga-NATO, NATO đã cho thấy họ hoàn toàn không mong muốn tiến hành các cuộc đối thoại mang tính tích cực với Moscow. Các sáng kiến quan trọng về tăng cường lực lượng của NATO ở phía Đông được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw, Ba Lan vừa qua đòi hỏi phải có sự thảo luận kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không có bất cứ giải thích nào về đường lối chống Nga này của NATO”- Igor Korotchenko.
Igor Korotchenko nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo chính trị-quân sự Nga cần phải có những phản ứng thích đáng đối với việc NATO đang gia tăng sự hiện diện quân sự ở sườn Tây của Nga.
“Nga sẽ không thực hiện bất cứ hành động leo thang căng thẳng nào. Do kết quả Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw, Ba Lan đem lại nhiều đe dọa cho Nga nên Hội đồng An ninh, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiến hành phân tích một cách kỹ lưỡng bối cảnh hiện nay để đưa ra các biện pháp phản ứng linh hoạt và thích hợp nhất. Vấn đề này đang đặt lên vai Tổng Tư lệnh tối cao, Tổng thống Nga Putin, người sẽ phê chuẩn các đề xuất của giới chức quân sự Nga về các phương án vô hiệu hóa các mối đe dọa từ phương Tây”- chuyên gia Igor Korotchenko kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ Ria Novosti.