Chưa đạt yêu cầu tập huấn SGK lớp 1 mới, giáo viên sẽ không được giảng dạy
“Nếu giáo viên không tham gia tập huấn hoặc tham gia tập huấn nhưng không qua được bài test của NXB thì không được bố trí tham gia giảng dạy lớp 1 năm nay”.
Đó là thông tin mà TS. Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ tại họp báo thường kỳ Quý II của Bộ GD&ĐT diễn ra chiều nay 30/6.
Toàn cảnh buổi họp báo |
TS. Thái Văn Tài cho biết, quá trình tập huấn để thực hiện chương trình SGK lớp 1 mới gồm 2 bước: Giáo viên phải tự tìm hiểu chương trình, nắm yêu cầu cần đạt của từng môn trong từng lớp của từng cấp học; NXB trực tiếp tập huấn.
Trong quá trình tập huấn, NXB thống nhất với địa phương lên lịch cụ thể, trước khi tập huấn giáo viên có 5 ngày tìm hiểu bài giảng online, có 2 ngày tương tác trực tiếp với chính tác giả của bộ sách, giáo viên sử dụng quy chế sinh hoạt chuyên môn để xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình môn học tại trường.
Nếu giáo viên không tham gia tập huấn hoặc tham gia tập huấn nhưng không qua được bài test của NXB thì không được bố trí tham gia giảng dạy lớp 1 năm nay. Vì vậy, nhà trường luôn phải bố trí dư lượng giáo viên tập huấn so với tỷ lệ giáo viên dạy chính thức.
Bộ SGK lớp 1 mới |
Về việc thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 cho chương trình mới hiện nay theo TS. Thái Văn Tài, Bộ GD&ĐT đã có thông báo đến NXB, hạn cuối cùng nộp bản thảo SGK và hồ sơ thẩm định là ngày 20/7. Dự kiến công bố SGK đúng tiến độ kịp thời cho năm học 2021 – 2022.
Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Quang Nam – Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo khung kế hoạch năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là 1/9/2020.
“Nếu Bộ GD&ĐT phát hiện trường nào dạy trước chương trình sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13 cho phù hợp. Riêng 2020 – 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, kết thúc năm học muộn nên cho các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường. Tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn”, ông Trần Quang Nam cho hay.
Hoàng Thanh