Chủ tịch Ủy ban châu Âu: Khôi phục quan hệ với Nga là cần thiết
![]() |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker |
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Rumani, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải khôi phục lại mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Adevarul, ông Juncker đã nói về thực trạng mối quan hệ hiện tại giữa EU và Nga, bên cạnh đó ông cũng đưa ra quan điểm của mình.
Ông Juncker cho biết: "Đúng là mối quan hệ của chúng ta với Nga không được như mong muốn. Tuy nhiên, ngay cả mối quan hệ hiện tại của chúng ta có vấn đề, điều đó cũng không có nghĩa rằng chúng đang bị phá hủy. Chúng ta cần phải khôi phục chúng, và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều đó".
Theo ông, những khía cạnh dẫn đến tranh cãi đều là những vấn đề "nổi bật", ví dụ như tình hình xung quanh Ukraine và sự sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. "Tuy nhiên, các kênh thông tin liên lạc của chúng tôi luôn mở", ông nói.
Ông Juncker khẳng định: "Tôi tin rằng hai bên đều có lợi ích chung trong việc cải thiện quan hệ. Ngày hôm nay, không còn nghi ngờ gì nữa, thế giới, cần sự hợp tác chứ không phải đối đầu về kinh tế và an ninh, cũng như quan điểm địa chính trị".
Trước đó vào tháng 11/2016, trong một cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình Euronews, ông Juncker đã lưu ý rằng, nước Nga sở hữu lãnh thổ với diện tích lớn gấp ba lần châu Âu, do đó Liên bang Nga nên được coi trọng như một "quốc gia lớn và một dân tộc có lòng tự tôn". Tuy rằng chưa thể bỏ biện pháp trừng phạt Nga trong thời gian tới, nhưng Liên minh châu Âu cần ứng xử với Nga như một đối tác bình đẳng.
Liên minh châu Âu và Nga thời gian qua đều có những tuyên bố thiện chí muốn cải thiện quan hệ, bất chấp những lệnh trừng phạt kinh tế hai bên áp đặt lẫn nhau sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Thực tế cả Nga và EU đều thừa nhận, không chỉ là mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, sự hợp tác giữa Nga và EU cũng vô cùng quan trọng trong việc giải quyết hàng loạt các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay như chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, giải quyết các điểm xung đột nóng..