Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam: 89 ngày qua là một cơn ác mộng
Tuy nhiên, buổi họp báo không có sự tham dự của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Tổng Cục Quản lý thị trường, Tổng Cục Hải quan, Bộ Công an...
Nói về tính khách quan của buổi họp báo, đại diện Asanzo biết lãnh đạo công ty rất nôn nóng với kết luận của Bộ Tài chính. Bản thân anh Tam đã rất nhiều lần bay ra Hà Nội, xếp hàng để gặp các cơ quan chức năng, gặp lãnh đạo trực tiếp xử lý vấn đề này.
"Đến nay cơ quan nhà nước chưa ban hành kết luận vi phạm như những gì mà tờ báo kết luận. Có thể cơ quan nhà nước sẽ công bố sau nhưng công ty cần làm việc trở lại, những đại lý, những công nhân được ổn định trở lại", đại diện công ty nói về lý do họp báo công bố hôm nay.
Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo- Phạm Văn Tam (giữa) chủ trì buổi họp báo |
Tại buổi họp, Asanzo dựa vào các văn bản của Tổng cục Quản lý thị trường, VCCI, Tổng cục Hải quan để làm cơ sở cho rằng "Asanzo được minh oan".
"Với hai văn bản này chưa có bất kỳ cơ quan nhà nước nào kết luận asanzo vi phạm xuất xứ hàng hóa như tờ báo quy kết", đại diện Asanzo cho hay.
Cụ thể, theo Asanzo: "Ngày 1/8, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp".
Bên cạnh đó, tổ công tác của VCCI cũng đã kêt luận "sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc "chế tạo tại Việt Nam", "nước sản xuất tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" hoặc "sản xuất bởi Việt Nam là đúng quy định pháp luật.
Ngày 15/8, Cục Kiểm tra (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) đã kết luận: "Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu".
"Như vậy kết luận của Cục kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu", đại diện Asanzo cho hay.
Asanzo cho biết, tính đến ngày 17/9 là ngày thứ 89 kể từ khi cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hóa xuất hiện trên mặt báo, gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài với Asanzo, khiến hệ thống phân phối tê liệt, sản xuất kinh doanh đình đốn.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo chia sẻ: "Cá nhân tôi gánh chịu cơn bão quy chụp về giả xuất xứ. Chúng tôi phải nhờ đến Chính phủ, cơ quan ban ngành vào cuộc làm sáng tỏ, để công ty có đường sống. 89 ngày qua, chúng tôi rất vất vả, chịu đựng để có một ngày sống lại", ông Tam nói.
Cũng theo ông Tam, trong 89 ngày qua, Asanzo tiếp rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra của các bộ ngành, với tổng cộng 110 người. "Một cơn ác mộng mà chúng tôi không nghĩ phải đối diện", ông Tam chia sẻ.
Theo ông Tam, thiệt hại do khủng hoảng vừa qua ước hơn 1000 tỷ đồng, chưa kể con số xây dựng lại niềm tin, đối tác. Điều đáng mừng là trong thời gian đóng cửa, chưa có ai đến đòi tiền cổ đông, đòi tiền nợ... chưa có ngân hàng nào gõ cửa Asanzo đòi tiền.
Tại buổi họp báo, ông Tam bày tỏ mong muốn được sống, và tiếp tục hành trình phục vụ những khách hàng bị bỏ quên.
Ông Tam cũng cho biết, trong thời gian qua Asanzo đã đóng cửa nhà máy, nhưng bắt đầu từ ngày hôm nay 17/9, Asanzo chính thức hoạt động, sản xuất kinh doanh trở lại.
Trước đó, vào ngày 21/6/2019, Asanzo bị cáo buộc bán hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam. Ngày 26/6, Asanzo hủy lễ khánh thành nhà máy công nghệ cao ở Q9 TP.HCM.
Đến ngày 30/8 là thời hạn các cơ quan chức năng phải có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về kết luận thanh tra vụ việc liên quan tới Asanzo. Tuy nhiên vẫn chưa có báo cáo kết luận.
Trong thông cáo phát đi ngày 30/8, Công ty Asanzo cho biết trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam", mỗi ngày Asanzo mất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác. Do đó, công ty phải "bất đắc dĩ thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh", nhưng vẫn duy trì hoạt động bảo trì bảo hành để bảo đảm quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, công ty sẽ cố gắng bảo đảm quyền lợi của người lao động trong khả năng của mình, theo quy định pháp luật.
Chia sẻ trước báo chí, ông Tam từng nói: "Tôi nuôi 2000 công nhân, trong đó 600 người ở khâu lắp ráp, sản xuất, không lẽ nuôi từng đó con người chỉ để bóc tem, điều đó là không đúng, rất vô lý. Chúng tôi khẳng định quy trình lắp ráp không có bóc tem”.