Chủ lò tàu hũ có 11 con gái, trai làng thầm thương, bà mối liên tục ghé thăm
Lời tòa soạn: Trước đây, do quan niệm "trọng nam khinh nữ", nhiều gia đình đối mặt với áp lực sinh con trai để nối dõi tông đường. Nhiều nhà cố gắng đẻ mong có được mụn con trai khiến cuộc sống vốn dĩ vất vả lại càng thêm khốn khó. Ngày nay, nhiều quan niệm cũ đã lùi xa. Chuyện sinh con một bề không còn là gánh nặng đối với nhiều cặp vợ chồng nữa. Một số gia đình trước đây từng khốn khổ trước áp lực không có con trai, nay lại cảm thấy mừng vì các con sống tình cảm, hiếu thảo với cha mẹ. Dư luận thậm chí còn cho rằng việc sinh con một bề như vậy là hạnh phúc và may mắn. |
Sinh 11 con ở nhà bà mụ
Bà Trần Thị Rắc (76 tuổi, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) sinh được 11 con gái. Hiện, tất cả con gái của bà đã lập gia đình, trong đó có 6 người sống gần nhà mẹ.
Chồng bà Rắc là ông Dương Văn Đức, đã mất vào năm 2019. Người con gái đầu của bà qua đời do bạo bệnh.
Năm 19 tuổi, bà Rắc lấy chồng, sang năm 20 tuổi thì sinh con đầu lòng. Từ đó, bà lần lượt sinh thêm 10 cô con gái.
Ngày đó, bà Rắc sinh con ở nhà bà mụ, không đến trạm xá hay bệnh viện. Trời thương, bà sinh thuận lợi, không bị đau bụng quá nhiều. Thậm chí, bà còn đẻ rớt 2 người con trên đường đến nhà bà mụ.
Bà Rắc hồi tưởng: “Thấy vợ chuyển dạ, chồng liên tục thu xếp đồ đạc, đưa tôi đến nhà bà mụ, rồi về nhà trông mấy đứa nhỏ. Tôi sinh xong, ở lại nhà bà mụ khoảng 3-4 ngày, khỏe thì bế con về".
Bà Rắc sinh nhiều con là do không biết đến các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Mặt khác, vợ chồng bà cũng mong sinh được con trai cho đủ nếp đủ tẻ.
Tuy nhiên, sau khi sinh con gái út, bà Rắc đã hơn 40 tuổi, sức khỏe không còn tốt. Thế nên, vợ chồng bà thống nhất dừng lại với 11 cô “công chúa”.
Dù mơ ước có con trai không thành nhưng vợ chồng bà Rắc quan niệm, con cái là lộc trời cho, gái hay trai đều quý như nhau.
Ban đầu, ông Đức hy vọng có được một người con trai. Thế nhưng, qua vài lần hụt hẫng, ông chỉ buồn một chút, nhanh chóng chấp nhận, dốc lòng nuôi dưỡng 11 cô con gái.
Thuở đó, vợ chồng bà Rắc mở lò làm tàu hũ. Mỗi ngày, bà đem tàu hũ ra chợ bán, còn ông Đức ở nhà trông con.
Bà thường ở cữ khoảng 1-2 tháng rồi mới đi bán trở lại. Ở nhà, chồng bà cho em bé uống sữa bò, sữa đậu nành… Các con ngủ, ông giặt giũ, lau nhà, không để việc nhà đến tay vợ.
Các con gái lớn dần lên, thay cha mẹ chăm em. Họ còn giúp cha mẹ làm tàu hũ, dọn dẹp nhà cửa... Nhờ có 11 cô con gái giỏi giang, vợ chồng bà Rắc thảnh thơi làm kinh tế.
Mặc dù thuộc diện đông con nhưng nhà bà Rắc chưa bao giờ thiếu thốn. Thời điểm đó, nhiều người phải ăn cơm độn khoai sắn, nhưng lúc nào nhà bà lúa gạo cũng đầy bồ.
Cuộc sống êm ấm
Biết gia đình bà Rắc có đến 11 người con gái, người thân và hàng xóm bày tỏ sự ngưỡng mộ. “Mọi người nói vợ chồng tôi có phước mới sinh được 11 con gái. Tôi thấy cũng đúng.
Các con tôi rất hiếu thảo, đứa nào cũng quan tâm, lo lắng cho mẹ. Mấy chị em thương nhau, thuận thảo trên dưới một lòng.
Trong số 11 người con, tôi có con gái thứ 4 và thứ 7 theo nghề làm tàu hũ truyền thống của gia đình.
Những người con khác đều lập gia đình, sống êm ấm. Các con biết làm ăn, giàu thì không có nhưng đủ sống”, bà Rắc tự hào.
Thời son rỗi, 11 người con gái của bà Rắc có ngoại hình ưa nhìn, giỏi giang, biết làm ăn. Bởi vậy, nhiều chàng trai thầm thương trộm nhớ, liên tục cậy nhờ bà mối đến lò tàu hũ hỏi vợ.
Thương con, vợ chồng bà không gả đi xa, chỉ đồng ý làm thông gia với người trong xóm. Thế nên, con gái bà lần lượt kết hôn, rồi dựng nhà sống gần nhà mẹ.
Hai cô con gái thứ 5 và thứ 7 sống sát vách nhà bà Rắc, còn 4 người khác xây nhà cách một con đường.
Từ ngày chồng mất, bà Rắc cứ nghĩ phải sống cảnh quạnh quẽ. Thế nhưng, các con gái thay nhau sang chơi, chăm sóc mẹ lúc đau yếu.
Bà mắc chứng run tay nên ngại dùng điện thoại cảm ứng. Các con bà thay nhau hướng dẫn, động viên mẹ dùng để giải trí, cũng như liên lạc với con cháu. Nhờ vậy, ở tuổi U80, bà Rắc sử dụng điện thoại thông minh lướt TikTok, Facebook, xem YouTube thành thạo.
Từ lúc các chị gái theo chồng, chị Dương Thị Nhi (SN 1990) là người con duy nhất còn sống chung với mẹ. Căn nhà bà Rắc luôn rộn rã tiếng cười nói và những bữa cơm ấm áp.
Chị Nhi chia sẻ: “Dù kết hôn và có nhà riêng nhưng các chị vẫn thường xuyên về thăm mẹ. Mấy chị sống gần thì hầu như chiều nào cũng qua chơi.
Chúng tôi thay nhau chở mẹ đi làm đẹp, sắm sửa quần áo. Mẹ nhức đầu, sổ mũi chút xíu là mấy chị em nhốn nháo, kéo về thăm nom.
Các anh rể của tôi rất dễ thương, không khó khăn trong chuyện vợ về nhà chăm mẹ. Thậm chí, mấy anh thương mẹ vợ như mẹ ruột. Nhà vợ cần gì chỉ cần nói một tiếng là các chàng rể có mặt”.
Cuối năm ngoái, Nhi tổ chức lễ ăn hỏi. Sau đám cưới, chị vẫn chọn sống chung với mẹ. Dự định của chị được chồng ủng hộ. Anh tự nguyện ở rể, dù nhà vợ không yêu cầu.
Bà Rắc rất vui khi được sống gần con cháu. Nỗi lo không có con trai chăm sóc lúc tuổi già đã không còn hiện hữu.
Nhiều người ngưỡng mộ, khen vợ chồng bà Rắc có phước, sinh được 11 cô con gái. Nhà đông con gái nên chuyện gì cũng có người hỗ trợ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kỳ sau: Nhà có 7 gái 2 trai: Chị lớn xuất khẩu lao động, phụ bố mẹ nuôi em