Chủ động ứng phó bão số 14, đảm bảo an toàn cho ngư dân và tài sản
Ngày 20/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn để triển khai các nội dung, biện pháp nhằm tăng cường khả năng ứng phó bão số 14.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 20/12, áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 14 trong năm 2020 có tên quốc tế là Krovanh.
Hồi 04 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Hình ảnh dự báo đường đi và vị trí của bão số 14. (Nguồn: TTDBKTTVQG) |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 22/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 90km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 04 giờ ngày 23/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão để chủ động phòng tránh.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh.
Tổng cục Thủy sản cung cấp thông tin cho người dân để có phương án bảo vệ lồng bè và nuôi trồng thủy sản; bảo đảm an toàn hồ chứa; phục hồi sản xuất.
Các địa phương chủ động phát thông tin về bão số 14 trên các hệ thống giám sát thiên tai của tỉnh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Đến 15h ngày 20/12, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 (thuộc Quân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân) quản lý, vận hành trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã đón 84 lượt tàu với gần 600 ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định vào tránh, trú bão số 14.
Tại các âu tàu, làng chài trên các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã đón 78 lượt tàu với hơn 500 ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định vào tránh, trú áp thấp nhiệt đới.
Tại âu tàu đảo Song Tử Tây, tính đến 15h chiều 20/12 có 5 tàu cá của tỉnh Bình Định vào tránh trú bão số 14. Cán bộ, nhân viên tại âu tàu Song Tử tây đã hướng dẫn, bố trí chỗ neo đậu an toàn cho 35 ngư dân.
PV