Chính quyền Ukraine "rửa sạch tội" cho đội đặc nhiệm Berkut vụ Maidan
ÔngVitaly Sakal -Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine,người phụ trách điều tra vụ bạo động Maidan. |
Tuyên bố đầy bất ngờ này do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Vitaly Sakal - người phụ trách điều tra vụ bạo động Maidan xảy ra ngày 2/2/2014. Ông đã tuyên bố trước các phóng viên rằng nhân viên điều tra đã chắc chắn về sự việc đội đặc nhiệm Berkut nổ súng vào đoàn người tuần hành tại quảng trường Maidan.
Ông Sakal cho biết, một người Ukraine gốc Armenia 20 tuổi Sergei Nigoyana chết do trúng đạn của súng săn (2 viên vào ngực, 1 viên vào đầu); còn Zhiznevsky, 25 tuổi, người Belarus thì bị bắn trúng tim. Giám định pháp y cho biết lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Berkut không có loại súng đó, chứng tỏ những người thiệt mạng trong vụ Maidan hoàn toàn không phải do Berkut mà do những người chưa rõ danh tính khác gây ra.
Tuyên bố cũng nói rằng nhân viên điều tra đã nghiên cứu rất kỹ tất cả các đoạn băng và không nhận thấy bất cứ loại vũ khí khác thường nào của cảnh sát. Trong vòng 1 năm, họ thậm chí còn không tìm được các nhân chứng trong vụ thảm sát đó, nên đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra một điều là thi thể của Nigoyana và Zhiznevsky đã bị di chuyển.
Hơn nữa, điều này không loại trừ khả năng những người theo chủ nghĩa dân tộc có thể đã giết họ ở nơi nào đó trong khu vực tiếp giáp Kiev, rồi đưa đến Maidan, giao cho những nhà hoạt động nhằm “kích thích xung đột leo thang và là cái cớ cho việc lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Berkut đã sử dụng súng với người biểu tình”.
Ông Sakal còn nhấn mạnh rằng những người bị giết hại cũng không phải được chọn ngẫu nhiên mà đều đã được ấn định trước đó.
Khung cảnh tan hoang của Quảng trường Maidan sau thảm sát. |
Năm ngoái, cựu Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Vitaliy Zakharchenko từng phát biểu: “Tôi tin chắc chắn rằng đối tượng nổ súng không phải cảnh sát đặc nhiệm. Đội Berkut không đem theo vũ khí trong các ngày 18 và 19/2/2014. 86 nhân viên cảnh sát đã bị thương, 14 người trong số họ đã thiệt mạng. Đó là các binh sĩ của Bộ Nội vụ, lực lượng đặc nhiệm Berkut, cảnh sát giao thông bị bắn khi đang ở trạm canh gác”.
Cuối tháng 2/2014, chính phủ Kiev đã quyết định giải tán Berkut. Ngày 3/4/2014, một ủy ban đặc biệt của Ukraine công bố kết quả cuộc điều tra sơ bộ về các trường hợp tử vong trong cuộc biểu tình lật đổ chính phủ. 12 thành viên của Berkut bị bắt giữ để phục vụ điều tra.
Tổng chưởng lý Ukraine Oleh Makhnitsky cho biết những người bị bắt là thành viên của lực lượng chuyên trách trong Berkut. Lực lượng này nằm dưới sự chỉ huy của chính quyền cựu Tổng thống Yanukovych.
Chính quyền Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych đã phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đã ra lệnh cho cảnh sát giết hại người biểu tình. Trong khi đó, các cựu quan chức an ninh Ukraine cũng từng lên tiếng cho rằng chính phe đối lập lật đổ chính phủ đứng sau các tay súng bắn tỉa.
Nhiều cựu nhân viên an ninh Berkut của Ukraina đã xin gia nhập cơ quan cảnh sát đặc biệt OMON của Moscow. Những người này đã bắt đầu làm thủ tục xin nhập quốc tịch Nga và mọi giấy tờ cần thiết để được nhận vào lực lượng Nội vụ Nga.
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động Berkut, Ukraine. |
Bộ Nội vụ Liên Xô đã quyết định thành lập các đội cảnh sát đặc nhiệm (OMON) tại Kiev, Dnepropetrovsk, Donetsk, Lviv và Odessa vào ngày 28/12/1988,
Sau khi Liên Xô tan rã, trên cơ sở cơ cấu biên chế hiện có và trang bị của OMON, ngày 16/1/1992, Ukraine quyết định thành lập biệt đội phản ứng nhanh Berkut và chính thức đi vào hoạt động đầu năm 1993.
Mục đích Ukraine thành lập Berkut vào thời điểm đó là do lo ngại về tình hình chính trị (vừa được độc lập) và tình hình tội phạm trong nước đang gia tăng.
Nhiệm vụ chính của Berkut là bảo vệ trật tự xã hội ở những nơi có tình hình phức tạp. Khi biểu tình diễn ra và xuất hiện tình trạng khẩn cấp, họ sẽ ngăn chặn những biểu hiện du côn và gây bất ổn, bắt giữ tội phạm có vũ trang nguy hiểm và giải phóng con tin,...
Hiện nay, Berkut có khoảng 800 binh lính hợp đồng. Đối với đơn vị này không có khái niệm “một ngày làm việc bình thường”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin của Komsomolskaya Pravda - tờ nhật báo của Nga được thành lập từ năm 1925, có trụ sở đặt tại Moscow.