Chính quyền Obama "bóp chặt" Nga sau hàng loạt cáo buộc tấn công mạng
Các quan chức Mỹ cho biết, dự kiến các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Obama công bố sẽ đánh vào những hoạt động bí mật, bao gồm những hành vi tấn công mạng. Chúng được cho là sẽ được công bố sớm nhất là trong tuần này.
Tổng thống Obama phát biểu tại căn cứ không quân MacDill ở Tampa, bang Florida (Mỹ). |
Thông tin về những biện pháp trừng phạt này được đưa ra sau nhiều tuần thảo luận căng thẳng trong Nhà Trắng về việc xem lại một mệnh lệnh hành pháp năm 2015, qua đó cho phép Tổng thống có quyền đáp trả các âm mưu tấn công mạng từ bên ngoài.
Chính quyền Obama coi lệnh này là một phương thức trừng phạt và ngăn chặn các tin tặc nước ngoài gây hại đến kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Năm ngoái, lệnh này được áp dụng khi Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp bí mật của các công ty Mỹ.
Một số quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ cho biết, trong bối cảnh nhiệm kỳ của ông Obama sắp kết thúc, Nhà Trắng đang tìm mọi cách để có thể trừng phạt Nga. Trong tháng này, Tổng thống Obama hứa rằng Mỹ sẽ có hình thức đáp trả thích đáng đối với các hoạt động tấn công mạng được cho là do Nga thực hiện. Moscow phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc trên.
Tổng thống Obama đã ban hành lệnh trên vào tháng 4/2015 nhằm có trong tay một công cụ cấm vận nhắm vào những cá nhân đã tấn công các hệ thống máy tính của các trạm phát điện hoặc trung tâm điều phối giao thông, hoặc đã đánh cắp những thông tin mật.
Lệnh này cho phép chính quyền Obama có thể đóng băng tài sản tại Mỹ của những cá nhân đã đe dọa đến an ninh và kinh tế của nước này bằng các hình thức xâm nhập mạng. Lệnh trừng phạt còn cho phép chặn đứng các hoạt động chuyển khoản của những người này, đồng thời cấm họ được nhập cảnh vào Mỹ.
Thế nhưng, lệnh này không ngăn cản được việc hàng loạt thư điện tử nội bộ của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) bị rò rỉ trên trang WikiLeaks, trong đó có những bức thư trao đổi của chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ông John Podesta. Các quan chức Mỹ ngay lập tức đã quy trách nhiệm cho một cơ quan tình báo Nga.
Các quan chức trong chính quyền Obama muốn Tổng thống Mỹ thực thi quyền trừng phạt này trước khi rời Nhà Trắng để chứng tỏ sự hiệu quả của nó.
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, chính phủ Mỹ đã cảnh báo Nga qua nhiều hình thức khác nhau. Tổng thống Obama đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thượng đỉnh nhóm nước G-20 tại Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua. Một tuần trước ngày bầu cử, Mỹ đã gửi thông điệp với Nga, yêu cầu họ ngừng tấn công vào các hệ thống đăng ký thông tin của các cử tri và hệ thống bầu cử. Khi đó, các quan chức Mỹ khẳng định Nga đã đồng ý tuân thủ những yêu cầu này của Mỹ.