"Chiến tranh tàu ngầm" đang khiến Biển Đông thêm căng thẳng?
Những lo ngại về an ninh ở Biển Đông đang ảnh hưởng đến các tàu dân sự, khi các tàu chiến Mỹ tiến hành các hoạt động đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển trong khi gần đây tàu cá và tàu tuần dương Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc khu kinh tế của nhiều nước.
Một vấn đề khác cần phải được đề cập đến, đó là sự xuất hiện của tàu ngầm. Mặc dù Hải quân Mỹ không tiết lộ hoạt động của mình trên thế giới, hiện họ đang triển khai nhiều tàu ngầm đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt chú ý đến Biển Đông.
Tàu ngầm Oyashio của Nhật Bản có mặt tại vịnh Subic (Philippines) vào ngày 3/4 vừa qua. |
Đô đốc Scott Swift, người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng đối với ông, tàu ngầm “là một tài sản cực kỳ quan trọng”. Ông Swift cho biết, hiện các loại tên lửa phòng không cùng nhiều loại khí tài khác đã được triển khai ở Biển Đông và tạo thành khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), nhưng tàu ngầm không bị ảnh hưởng bởi những hệ thống phòng thủ này do hoạt động dưới dáy biển.
“Tàu ngầm cho phép tôi có thể tiếp cận đến những khu vực nóng trong trường hợp xảy ra xung đột mà các đơn vị trên biển cũng như trên không đang gặp khó khăn”, ông Swift nói. Hiện Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Úc đều đang nâng cấp lực lượng tàu ngầm của mình.
Dự kiến Lầu Năm Góc sẽ chi khoảng 97 tỉ USD trong những năm tới cho chương trình chế tạo tàu ngầm thay thế tàu lớp Ohio, qua đó dần loại bỏ 14 tàu ngầm hiện có và thay bằng một thế hệ tàu mới. Thêm vào đó, họ đã mua thêm tàu ngầm chiến đấu lớp Ohio, qua đó loại bỏ các tàu đã lỗi thời, đồng thời nghiên cứu phát triển các tàu ngầm không người lái.
“Chúng tôi đang đầu tư hơn 8 tỉ USD vào năm tới để đảm bảo Hoa Kỳ sẽ có một lực lượng tàu ngầm lợi hại và hiện đại nhất trên thế giới”, Bộ trưởng Carter phát biểu tuần trước. “Chúng tôi cũng chú trọng đến các loại tàu ngầm không người lái với nhiều kích thước khác nhau và các loại vũ khí có thể hoạt động ở những vùng nước nông, nơi tàu ngầm thông thường không tiếp cận được”.
Một số chuyên gia tin rằng một trong những lý do Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông là nhằm kiểm soát một bến đỗ cho các tàu ngầm quân sự của mình. Ở khu vực này có những nơi sâu hơn 2,5km và có nhiều khe vực dưới biển cho phép tàu ngầm có thể ẩn náu.
Vào tháng 12/2015, Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm lớp Tấn, loại tàu hạt nhân đầu tiên trang bị tên lửa đầu đạn hạt nhân được chế tạo trong nước. Trước đó Trung Quốc cũng lần đầu tiên cho tàu ngầm ra Ấn Độ Dương vào năm 2014, có mục đích ngăn chặn cướp biển, đồng thời làm quen với khu vực cũng như chứng minh sức mạnh quân sự.
Trung tướng Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ Vincent Stewart đã dự đoán trong bài phát biểu trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang Thượng viện Mỹ rằng quân đội Trung Quốc sẽ còn đưa thêm nhiều loại vũ khí mới ra Biển Đông, qua đó củng cố khả năng chống xâm nhập của nước này trong khu vực.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc. |
Ông Stewart nói rằng việc Trung Quốc phản đối kịch liệt các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do đi lại trên biển của hải quân Mỹ tại Biển Đông cho thấy rằng “Bắc Kinh nhận ra rằng họ cần phải bảo vệ những tiền đồn mà họ 'kiểm soát' và sẵn sàng đáp trả lại bất kỳ các hoạt động quân sự gần đó”.
Hải quân Mỹ đã từng cho tàu khu trục USS Lassen và USS Curtis Wilbur lần lượt vào tháng 10/2015 và tháng 1/2016 tới những khu vực mà Trung Quốc đang kiểm soát trái phép. Bắc Kinh sau đó ngang ngược chỉ trích rằng Mỹ đã “xâm phạm chủ quyền” của nước này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.