Chiến thắng của ông Macron là "điểm trừ" cho châu Âu hội nhập
![]() |
Tổng thống đắc cử Pháp Macron |
Trái ngược với kỳ vọng chiến thắng của ứng cử viên Macron sẽ đem lại một châu Âu đoàn kết hơn, nhà phân tích Pushkarev cho rằng về lâu dài các mâu thuẫn vốn đang tồn tại sẽ chỉ thực sự được giải quyết nếu các cường quốc chịu đối thoại, chứ không phụ thuộc vào tân Tổng thống Pháp.
Giám đốc phân tích của tập đoàn Teletrade GC - một trong những tập đoàn tư vấn tài chính toàn cầu, ông Peter Pushkarev cho rằng chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp về lâu dài – sẽ là "điểm trừ", chứ không phải là "điểm cộng" đối với nền tài chính trong hội nhập châu Âu.
Nhà phân tích nhận định rằng, hiện giờ có quá nhiều người trong giới kinh doanh, tài chính, và cả giới chính trị gia đều không nhận thức được dự báo này, mà còn tin rằng đây là trường hợp hoàn toàn ngược lại.
Hôm Chủ Nhật vừa rồi đã diễn ra vòng thứ hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Theo số liệu công bố chính thức của Bộ Nội vụ nước này, ứng cử viên Macron đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ là 66,1% . Ông Macron đã nhận được lá phiếu bầu của hơn 20,7 triệu cử tri. Cựu Lãnh đạo của đảng "Mặt trận Dân tộc" - bà Marine Le Pen chỉ nhận được hơn 10,6 triệu phiếu bầu (tương đương 33,9%).
Ông Pushkarev lưu ý :"Hầu hết các nhà đầu tư và các nhà đầu cơ đều đặt cược rằng châu Âu sau cuộc bầu cử ở Pháp sẽ trở nên đoàn kết, còn các vấn đề đang tồn tại như không đồng nhất xã hội, vấn đề di cư và tỷ lệ thất nghiệp không giảm cùng với mức tăng trưởng kinh tế thấp sẽ được giải quyết dễ dàng hơn - nhưng đó chỉ là ảo tưởng".
Chuyên gia khẳng định: "Trong thực tế, châu Âu chỉ có thể trở nên mạnh mẽ hơn nếu các cường quốc đối thoại được với nhau ... kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày hôm nay sẽ chỉ bảo toàn các vấn đề đang tồn tại trong một vài năm nữa".
Ông Pushkarev kết luận: "Nếu đâu đó ở châu Âu diễn ra xung động mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi trong Liên minh châu Âu, cũng như dẫn tới cuộc thảo luận trung thực về những mâu thuẫn đang tồn tại vì lợi ích của người dân của mỗi quốc gia châu Âu, thì chưa chắc một ý tưởng như vậy lại có thể được mong đợi từ nhà chức trách Pháp hiện thời ...".