Chiến lược “nội ứng ngoại hợp” của Mỹ làm Iran “nghẹt thở”
Hàng loạt trang bị “khủng” của Mỹ “ồ ạt” đến Trung Đông để gia tăng sức ép lên Iran. Nguồn: Sohu |
Các trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ “ồ ạt” tập kết tại Trung Đông
Theo Sohu ngày 21/11, Mỹ đang tiến hành đợt điều chỉnh lực lượng quy mô lớn tới khu vực Trung Đông, cụ thể: Từ cuối tháng 6/2019 đến nay, Mỹ đã tiến hành bố trí 12 máy bay chiến đấu F-22A ở Trung Đông, hiện tiếp tục điều động 18 máy bay F-35 Lightning II đến khu vực này, làm sức mạnh không quân Mỹ ở Trung Đông gia tăng một bước lớn. Đây là con số kỷ lục của máy bay chiến đấu F-35 Lightning II. Trước đây, Mỹ bố trí nhiều nhất chỉ là 12 máy bay F-35 Lightning II.
Bắt đầu từ ngày 14/11, 18 máy bay F-35 Lightning II của Mỹ chia thành 3 phi đội vượt Đại Tây Dương, đích đến là căn cứ của Mỹ ở Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Mỹ đặc biệt coi trọng việc bố trí lực lượng quân sự ở Trung Đông, điều này có quan hệ mật thiết đối với tình hình Trung Đông hiện nay. Từ tháng 5/2018, quan hệ Mỹ và Iran không ngừng xấu đi, điều này là do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015, đồng thời bắt đầu tiến hành các biện pháp trừng phạt Iran, 2 bên đã không ngừng “dọa dẫm” lẫn nhau.
Không chỉ điều động máy bay chiến đấu, CVN-72 cũng được Mỹ đưa đến Vịnh Ba Tư. Nguồn: Sohu |
Tại Trung Đông, Mỹ không chỉ có máy bay chiến đấu F-22A và F-35, mà còn có các máy bay khác như F-15C/D, F-15E, F-16C/D và A-10C, ngoài ra cong bố trí máy bay cảnh báo sớm E-3 và máy bay tác chiến điện tử EA-18G cùng nhiều trang bị khác. Ngoài việc bố trí quy mô lớn lực lượng Không quân, Mỹ còn đưa cả nhóm tàu sân bay chiến đấu đến Trung Đông. Reuters dẫn thông báo của quan chức Quân đội Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) đã đi qua eo biển Hormuz hôm 19/11 để tiến vào vịnh Ba Tư, sau nhiều tháng hoạt động ở ngoài khơi vịnh Oman.
Ngoài ra, theo Spunik ngày 20/11, Tổng thống Mỹ đã công khai cho biết, Mỹ sẽ tăng cường các trang thiết bị tiên tiến hơn cho 3.000 quân đang đồn trú tại Ả Rập Saudi. Lý do cho sự tăng cường binh lực của Mỹ là vì Iran đã "đe dọa an ninh khu vực và lợi ích của Mỹ.
CIA Mỹ tăng cường các kế hoạch “phá hoại” từ bên trong Iran. Nguồn: Sohu |
CIA tăng cường kế hoạch “lật đổ chính phủ” trong nội bộ Iran
Cùng với việc tăng cường binh lực đến Trung Đông để gia tăng sức ép với Iran, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng tăng cường các kế hoạch lật đổ tại Iran nhằm “khơi mào” nổi loạn tại quốc gia này. Theo báo cáo trên trang web Qatar Al Jazeera ngày 19/11, Iran đã để rò rỉ tài liệu mật cho thấy, lực lượng đặc vụ tình báo Mỹ bố trí tại Iran và một số quốc gia láng giềng Iran đã hoạt động mạnh mẽ nhằm đối phó từ nội bộ Iran. Hiện, CIA Mỹ đã lên kế hoạch “lật đổ chính phủ” ở Iran.
Kế hoạch của Mỹ đã bị Qasem Soleimani - Thiếu tướng Iran trong Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ngăn chặn kịp thời khi đã xây dựng thành công lực lượng phản gián tại Iraq để đối phó với các chính sách của CIA. Hiện, Iran đã nắm được số lượng lớn thông tin tuyệt mật từ Mỹ, những “nhân vật điển hình” và một số đặc vụ Mỹ trong kế hoạch của CIA đã bị Iran bắt giữ.
Mặc dù, phía Iran tuyên bố rằng kế hoạch của quân đội Mỹ đã thất bại, tuy nhiên điều này cho thấy, chiến lược “nội ứng ngoại hợp” của Mỹ đang gia tăng áp lực mạnh mẽ lên Iran. Mỹ đã tiến hành biện pháp tăng cường điều động binh lực đe dọa Iran từ bên ngoài, đồng thời phá hoại nội bộ Iran từ bên trong thông qua việc triển khai nhiều đặc vụ tình báo “ẩn nấp” trong quốc gia này.
Thiếu tướng Qasem Soleimani, người đã ngăn chặn thành công kế hoạch “phá hoại” của CIA Mỹ. Nguồn: Sohu |
Số phận Iran sẽ ra sao trong thời gian tới?
Quân đội Mỹ không ngừng tăng cường bố trí lực lượng quân sự tại Trung Đông kết hợp các biện pháp tình báo, mục đích nhằm răn đe Iran. Trong thời gian dài, Iran chính là đối thủ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, trải qua hàng chục năm trừng phạt và phong tỏa, các biện pháp của Mỹ đã tác động nghiêm trọng đến tiềm lực quân sự và nền kinh tế của Iran. Hiện nay, máy bay hiện đại nhất của Iran là máy bay chiến đấu F-14 đã được loại bỏ biên chế của Hải quân Mỹ từ lâu.
Thực lực phòng không hiện nay của Iran cũng hoàn toàn không tạo ra sự uy hiếp đối với trang bị Mỹ triển khai ở Trung Đông, đặc biệt là tàu sân bay và máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Lightning II. Mặc dù, Iran tuyên bố tên lửa phòng không Khordad 15 có khả năng tiêu diệt máy bay tàng hình, tuy nhiên, xét trên góc độ kỹ thuật hiện tại, các cường quốc khác cũng không chắc có thể nắm được toàn bộ kỹ thuật tên lửa đối phó máy bay tàng hình.
Tên lửa phòng không Khordad 15 của Iran có thật sự hạ được F-35 Lightning II? Nguồn: Sohu |
Do vậy, đây có thể là “đòn tâm lý” của Iran để khích lệ binh lính trong nước và răn đe Mỹ. Kết hợp với các biện pháp trừng phạt kinh tế và đưa lực lượng tình báo làm rối loạn tình hình nội bộ Iran, các biện pháp của Mỹ đang thực sự tạo ra những áp lực lớn cho Iran.
Ngoài ra, ngày 19/11, Lầu Năm Góc công bố bản báo cáo cho biết Iran có khả năng sẽ mua máy bay chiến đấu và xe tăng từ Nga và Trung Quốc, khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ được gỡ bỏ vào năm tới theo điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra trong tương lai, khó có thể “cứu vãn” tình hình của Iran hiện nay.