“Chìa khóa” giúp Mỹ thắng thế trước Trung Quốc
Mỹ nên tập trung vào những gì có thể kiểm soát được, đó là cải cách trong nước để nâng cao lợi thế cạnh tranh, buộc Trung Quốc phải chấp nhận việc cải cách hoặc sẽ phải chịu sự cô lập.
Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình không đem lại hiệu quả thiết thực, không giải quyết được các mối lo ngại chính của những công ty và người dân Mỹ. Washington vẫn chưa tỏ rõ thái độ kiên quyết trước các vấn đề cốt lõi như việc tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ, tấn công mạng, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chuyến thăm của ông Tập được đánh giá là “show” trình diễn “ngôn từ” của Bắc Kinh, song Mỹ một lần nữa vẫn phải đợi xem liệu Bắc Kinh có hành động đi đôi với lời nói hay không.
Mỹ cần tăng cường sức mạnh trong nước để đối phó với Trung Quốc. Nguồn: Nhà Trắng |
Rất nhiều chuyên gia về Trung Quốc phải “vắt óc” suy nghĩ các kế sách đối phó với những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra. Đa phần đều cho rằng cần phải tạo nhiều áp lực hơn nữa, buộc Trung Quốc phải cải cách chính sách quản lý kinh tế, an ninh mạng và chấm dứt hành động đơn phương ở Biển Đông. Nếu Mỹ không tuyên bố và hành động đủ mạnh thì Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục “trải dài” cánh tay của mình.
Tuy nhiên, cũng có thể nhìn nhận vấn đề này theo một hướng khác. Thay vì tạo áp lực trực diện, Mỹ nên ưu tiên đạt được các mục tiêu văn hóa và thương mại trong nước để từ đó bằng lợi thế của cường quốc, buộc Bắc Kinh phải thực hiện triệt để các cải cách trước lo sợ bị loại khỏi cuộc chơi.
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng khả năng cung cấp các cơ hội kinh tế cho lượng dân số khủng của mình. Mỹ nên tiếp tục đối đầu với Trung Quốc về vấn đề có thể ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi này. Nếu không hài lòng với những nỗ lực giải quyết vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Trung Quốc, Mỹ cần đầu tư mạnh vào ngành giáo dục.
Tăng cường khả năng tiếp cận với sự giáo dục tiên tiến cho tất cả các tầng lớp thu nhậ không chỉ giúp nâng cao tính công bằng mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm những kỹ sư, nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân có tài trong tương lai. Tầng lớp này sẽ là nhân tố giúp nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Hiện Mỹ đứng thứ 35 thế giới về toán học và 27 về khoa học. Thực tế, những thất bại của ngành giáo dục thời gian gần đây có thể trở thành mối quan ngại về an ninh quốc gia trong tương lai của Mỹ.
Việc ăn cắp sở hữu trí tuệ luôn khiến các doanh nghiệp Trung Quốc xếp sau những người bạn Mỹ, dù có lượng lao động áp đảo nhưng Bắc Kinh sẽ không bao giờ có được lợi thế cạnh tranh trước Washington. Cải cách giáo dục hợp lý có thể giúp Mỹ tăng cường khả năng lãnh đạo trong lĩnh vực sáng chế trên thế giới, bỏ xa Trung Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, nếu Mỹ muốn kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, sẽ cần có nguồn đầu tư lâu dài cho quốc phòng. Để duy trì nỗ lực này, Nhà Trắng cần cắt giảm các chi tiêu chính phủ lãng phí, bao gồm cả các chi tiêu quân sự không cần thiết. Các nhóm quan sát chính phủ ước tính Mỹ đã “vứt” gần 700 tỷ USD cho các chi tiêu không cần thiết trong quân đội trong những năm gần đây.
Trận chiến ngân sách không mấy sáng sủa trong Quốc hội suýt chút nữa dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa, đồng thời ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của lực lượng quốc phòng. Điều này có thể tránh được bằng biện pháp quản lý tài chính chặt chẽ. Thay vì các biện pháp chính trị cứng nhắc, lãnh đạo Nhà Trắng nên điều chỉnh ngân sách cần thiết để nâng cao lợi ích quốc gia.
Một chính phủ hiệu quả, khỏe mạnh có thể loại bỏ những chi tiêu ngoài luồng, giúp đảm bảo sự vững chắc của các lực lượng vũ trang, đồng thời có thể đẩy lùi những thách thức từ phía Trung Quốc trong thời gian tới. Một quân đội mạnh sẽ hỗ trợ được các quốc gia đồng minh, thách thức tính hiếu chiến của Bắc Kinh, buộc nước này chấp nhận các quy tắc quốc tế và phải chơi theo luật toàn cầu.
Thay vì chờ đợi lãnh đạo Trung Quốc tiến hành cải cách, chính quyền Mỹ cần chủ động thay đổi chính mình. Bắc Kinh vẫn sẽ trung thành với quá trình cải cách “con sên” của mình cho đến khi những nguy cơ, thách thức đến ngay sát chân họ. Tuy nhiên, một khi Mỹ lớn mạnh và kiên quyết hơn, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng cần phải cải cách nền kinh tế và chính phủ để có thể cạnh tranh với thế giới hoặc sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua toàn cầu.
Như Tôn Tử từng đề cập trong câu nói nổi tiếng của mình: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Mặc dù có thể lãnh đạo Hoa kỳ hiểu rõ Trung Quốc nhưng chưa chắc họ đã hiểu rõ bản thân mình.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Matthew Margulies, nhà phân tích Trung Quốc của Crumpton Group, công ty chuyên tư vấn chiến lược và quản lý khủng hoảng ở Washington DC. Công ty do cựu đại sứ, nhân viên CIA, Hank Crumpton sáng lập. Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.