Chỉ 'ăn, ngủ' với mộc nhĩ, mỗi năm vợ chồng trẻ thu hơn 300 triệu đồng
Với số vốn ban đầu còn hạn hẹp, vợ chồng chị Ngân (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đã thử nghiệm, cùng “ăn, ngủ” với mộc nhĩ và rồi vợ chồng chị đã thành công, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Từ những ngày còn làm đậu, nuôi lợn chị Trần Thị Ngân - khu 13, xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã luôn ấp ủ ước mơ làm giàu từ một mô hình mới, khác lạ trên đồng đất quê hương.
Năm 2011, sau nhiều lần tìm hiểu các mô hình kinh tế trên mạng, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng mộc nhĩ. Với số vốn ban đầu còn hạn hẹp, vợ chồng chị Ngân chỉ đầu tư hơn 2 vạn phôi về trồng thử nghiệm.
Để có được cơ ngơi như hiện nay, chị đã phải vay vốn của ngân hàng, từng có thời gian “ăn, ngủ” với mộc nhĩ, thử nghiệm, tìm tòi, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cho tới cấy giống, treo giàn.
Ban đầu, để tiết kiệm chi phí, chị sử dụng các ống tre, để làm giàn treo, nhưng độ bền không cao, về sau chị thay thế toàn bộ bằng cột bê tông và ống tuýp sắt nhằm tăng giá trị sử dụng, cũng như nâng cao chất lượng sản xuất.
Bên cạnh đó, chị Ngân đã đầu tư thêm hệ thống khép kín, từ các khâu như: Trộn mùn cưa, làm phôi giống, cho đến thu hoạch, phơi khô và xuất bán; xây dựng nhà trồng đảm bảo tiêu chuẩn sạch sẽ, thông thoáng, chủ động được các điều kiện sinh thái như độ ẩm, ánh sáng…
Sau một năm bén duyên với nghề làm mộc nhĩ, nguồn vốn bỏ ra đã được thu về và không bị lỗ, nhận thấy khả quan, đem lại hiệu quả kinh tế, mỗi năm chị Ngân tiếp tục tăng dần số lượng, tận dụng mọi khoảng đất trống để làm giàn nuôi cấy. “Lấy ngắn nuôi dài” đến nay, trung bình một năm, mô hình của chị Ngân có khoảng 10 vạn bịch mộc nhĩ, sau khi thu hoạch, giá bán trung bình là 140 nghìn đồng/kg khô trừ các khoản chi phí cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Thời điểm bận rộn nhất là từ tháng 8 đến khoảng tháng 3 (âm lịch) năm sau, mộc nhĩ vào vụ trồng và cho thu, thời gian còn lại trong năm là chuẩn bị kỹ lưỡng khâu giống cho vụ mới. Ngoài làm giàu cho bản thân, gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động tại địa phương.
Quan trọng nhất về trồng và chăm sóc mộc nhĩ là khâu thanh trùng để vi khuẩn, vi trùng bị tiêu diệt, sau đó mang ra cấy giống phải che chắn, chăm sóc cẩn thận để vi khuẩn không xâm nhập và phát triển. Nguồn nước tưới cũng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của mộc nhĩ, phải là nguồn nước đã qua hệ thống bể lọc nhằm loại bỏ các tạp chất; đặc biệt là tạo độ ẩm phù hợp để mộc nhĩ có cánh dày và đẹp mắt hơn.
Mô hình trồng mộc nhĩ của gia đình chị Ngân đang là hướng làm kinh tế mang lại hiệu quả tại xã Đan Thượng, phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng nông thôn.
Kỹ sư trẻ bỏ phố về quê xây nhà nuôi yến thu tiền tỷ
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Đồng (Hà Tĩnh) đã về quê lập nghiệp. Trải qua nhiều công việc không thành công, anh quyết định xây nhà nuôi chim yến đem lại thu nhập khủng.
Theo baophutho.vn