Cháy nhà xưởng ở Gia Lâm 3 người tử vong: Vì sao chưa khởi tố bị can?
Công an huyện Gia Lâm đã chuyển hồ sơ vụ cháy ở khu công nghiệp Phú Thị làm 3 người tử vong ngày 6/5 đến Phòng hình sự - Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bên trong vụ cháy ở khu công nghiệp Phú Thị khiến 3 người chết. (ảnh: báo ANTĐ) |
Liên quan đến vụ cháy xảy ra ngày 6/5 khiến 3 người tử vong ở Khu công nghiệp Phú Thị, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can. Tối 11/5, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết Công an huyện đã chuyển hồ sơ vụ án đến Phòng hình sự - Công an TP Hà Nội để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó, vào khoảng 11h ngày 6/5, một đám cháy lớn bốc lên tại nhà xưởng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Biovet rộng khoảng 1.000m2 ở khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Nhận được tin báo, Công an huyện Gia Lâm phối hợp với các đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP Hà Nội đã điều 20 xe chữa cháy tới hiện trường. Vụ hỏa hoạn về cơ bản được khống chế sau đó vài giờ.
Cơ quan chức năng xác nhận có 3 người đã tử vong trong đám cháy là anh N.D.T (sinh năm 1997) và anh H.M.S (sinh năm 1972) cùng trú tại xã Dương Xá và chị N.M.T (sinh năm 1972), trú tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.
Các nạn nhân đều là công nhân của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Biovet (chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc thú y) đã thuê mặt bằng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Song Ngân.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, cơ quan Công an huyện Gia Lâm đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về Phòng cháy chữa cháy".
Theo hồ sơ của Công an TP Hà Nội, ngày 9/9/2019, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Song Ngân đã bị lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động đối với kho xưởng cho thuê này và bị phạt tới 80 triệu đồng. Đến ngày 15/10/2019, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP Hà Nội đã ký quyết định đình chỉ hoạt động đối với kho xưởng cho thuê thuộc Công ty này. Thế nhưng, từ tháng 10/2019 đến nay, Công ty Song Ngân vẫn lén lút hoạt động chui, cho đơn vị khác thuê lại mặt bằng.
Luật sư Đặng Xuân Cường. |
Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: “Thông thường, đối với một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và được khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can ngay. Hai hoạt động khởi tố vụ án và khởi tố bị can gần như được tiến hành một cách song song. Tuy nhiên, trong vụ cháy nêu trên, việc cơ quan điều tra chưa tiến hành khởi tố bị can cũng không có nghĩa chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cá nhân tôi có nhận định rằng, vụ việc có liên quan tới việc phân công trong cơ cấu tổ chức của pháp nhân liên quan tới vụ cháy, do vậy, để xem xét, cá thể hóa trách nhiệm, xác định chính xác được cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trong việc dẫn tới vụ cháy, cơ quan điều tra cần thêm thời gian để xác minh, chưa ban hành quyết định khởi tố bị can nhằm tránh việc khởi tố bị can một cách sai lầm. Tôi đánh giá việc thận trọng này là cần thiết”.
Ngoài ra, luật sư Cường cũng nhận định: “Thiệt hại về tính mạng con người trong vụ cháy kể trên đã xác định được là 03 người, đây là dấu hiệu định lượng để cơ quan điều tra khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” quy định tại khoản 3, Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án như vậy, nếu bị xét xử với tội danh “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, bị cáo sẽ phải đối diện với khung hình phạt là từ 7 năm đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, luật sư Cường cho rằng: “Về nguyên tắc, phải xác định rằng, tất cả những ai có lỗi dẫn tới vụ cháy đều phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại chứ không chỉ gói gọn trong các bị can sau này bị khởi tố. Đó có thể là bất cứ ai: cá nhân, pháp nhân hay tổ chức.
Đối với vụ án trên, nếu xác định người có lỗi gây ra vụ cháy là các bị can, nhưng các bị can là người của pháp nhân và thực hiện công việc được pháp nhân cho phép thì theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc pháp nhân.
Sau vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng này, nói về trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nắng nóng mùa hè, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh phải tuân thủ nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy và tuân thủ khoảng cách an toàn từ ổ điện đến hàng hóa là 0,5m.
Tất cả hàng hóa có nguy cơ cháy nổ thì không được để trước cửa (chặn lối thoát nạn). Đường dây dẫn điện phải được đảm bảo an toàn, máy móc thiết bị luôn phải bảo dưỡng, bảo quản theo đúng quy trình…
Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp phải tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy theo quy định, định kỳ 1 năm/lần và phải có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền cho công nhân trong đơn vị”.
Hải Ngọc