Châu Âu là nguồn cung tài chính cho nhóm khủng bố IS ở Syria?
Đó là một tổ chức từ thiện trá hình ở Italy, nơi hàng nghìn người trên khắp châu Âu chuyển tiền tới để giúp đỡ những trẻ em Syria, nhưng thực tế số tiền này lại được chuyển thẳng vào tay của bọn khủng bố.
Ở Italy, tổ chức ra một nhóm như vậy dễ dàng hơn những quốc gia khác ở châu Âu vì các tổ chức phi chính phủ không cần phải giải thích về các dòng quỹ trong tài khoản ngân hàng của mình. Thư ký điều hành của FATF, David Lewis cho biết: “Thông tin về nhóm gây quỹ trên chúng tôi nhận được từ chính quyền Italy, một trong những thành viên tích cực của FATF. Theo đó, các dữ liệu cho thấy những tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận có thể vô tình hoặc cố tình tham gia vào việc hỗ trợ tài chính cho nhóm khủng bố”.
IS lấy tiền từ những tổ chức từ thiện trá hình? Nguồn: AP |
Đường dây này hoạt động như sau: hàng nghìn cá nhân và tổ chức từ khắp các nước ở châu Âu sẽ chuyển tiền về tài khoản của một tổ chức từ thiện ở ngân hàng Italy vì cho rằng số tiền này sẽ giúp đỡ các trẻ em ở Syria. Sau đó, tiền được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ và từ đây một thành viên của IS sẽ lấy số tiền và phân phối tới các nhánh của tổ chức khủng bố.
Tin tức về việc IS sử dụng tiền từ thiện để nuôi các hoạt động của mình đã khiến nhiều người bị sốc. Tuy nhiên, đây không phải là nguồn thu nhập chính của nhóm khủng bố. IS kiếm hàng triệu USD một ngày từ việc mua bán dầu ăn cắp và các chế tác nghệ thuật, cũng như cướp bóc và bắt cóc con tin. Điều này đã tạo nên một nhóm khủng bố giàu nhất thế giới hiện nay.
Theo FATF, không phải tất cả các quốc gia đều cố gắng ngăn chặn IS tiếp cận với các nguồn tiền trên. “Rất nhiều nước bỏ qua những biện pháp cần thiết. Họ thông qua các đạo luật, thành lập các đơn vị, tổ chức tình báo để chống chủ nghĩa khủng bố nhưng lại không thực sự áp dụng các biện pháp hiệu quả”, ông Lewis nói.
Tổ chức Hành động tài chính chống nạn rửa tiền, còn được gọi là Groupe d'action financière (GAFI), là một tổ chức liên chính phủ thành lập năm 1989 theo sáng kiến của nhóm G7 nhằm phát triển các chính sách chống lại nạn rửa tiền trên thế giới.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.