Châu Âu: Đoàn kết hay là chết?
Châu Âu: Đoàn kết hay là chết?
Vì sao ECB vẫn đứng ngoài khủng hoảng nợ châu Âu?
Tại sao Trung Quốc phải cứu khu vực đồng Euro?
Người châu Âu đang đứng trước sự lựa chọn mang tính lịch sử. |
Quyết định lịch sử này đối với người châu Âu không phải chỉ vì đồng tiền Euro mà còn vì chính hình ảnh của họ trong tương lai. Họ phải quyết định muốn đi tiếp với tư cách là các công dân châu Âu hay là các công dân theo từng quốc gia riêng rẽ như người Pháp, người Đức, người Italia, người Tây Ban Nha,...
Tình hình cấp bách hiện nay của khối này bắt nguồn từ tình trạng bấp bênh của đồng Euro, đồng tiền mà 17 nước EU đang sử dụng. Đồng tiền này đang bên bờ vực sụp đổ vì một vấn đề cơ bản mà chưa bao giờ được giải quyết, sự hội nhập nửa vời. Những tai họa xảy ra với đồng Euro cho thấy, riêng về mặt tiền tệ, hội nhập nửa vời sẽ không có kết quả. Những kế hoạch riêng lẻ dân tộc chủ nghĩa của mỗi quốc gia đã không hòa chung theo một chính sách tiền tệ thống nhất.
Và các nhà lãnh đạo chính trị đã tuyên bố rằng, nếu đồng Euro sụp đổ, thì Liên minh châu Âu có lẽ cũng sụp đổ theo.
“Chúng ta phải nhận thấy đồng Euro là một dự án không thể đảo ngược được – không thể đảo ngược được nữa,” chủ tịch EU, Herman Van Rompuy nói.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng người châu Âu phải lựa chọn ngay lúc này, nếu không chính họ sẽ phải đón nhận kết cục dành cho mình. Hoặc là họ phải lựa chọn sẽ đi tiếp với tư cách là một khối, trong đó nước giàu và nước nghèo cùng nhau chia sẻ số phận hoặc là họ sẽ phải đón nhận một sự đổ vỡ đau đớn, và quay về thời kì tan đàn xẻ nghé trước đây của châu Âu.
Và câu trả lời cho câu hỏi này không thể bị trì hoãn hơn nữa.
Hôm 30/11, chủ tịch vấn đề tiền tệ của EU, Olli Rehn đã ra “tối hậu thư” cho các nhà lãnh đạo khối đồng Euro.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn mang tính quyết định là còn 10 ngày nữa để hoàn thành và ra kết luận cho cuộc khủng hoảng này”.
Tính đến hôm nay, chỉ còn 8 ngày nữa cho khối đồng Euro. Đây sẽ là 8 ngày làm rung chuyển toàn bộ nền tài chính thế giới. 8 ngày để người châu Âu quyết định con đường đi của mình sẽ là như thế nào.
Cuộc khủng hoảng này xuất hiện đến như một viên đạn được bất ngờ bắn ra vào hôm 20/10/2009 khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Giorgos Papaconstantinou bước vào phòng họp của các Bộ trưởng Tài chính EU ở ngoại ô Luxembourg với rất nhiều phóng viên và phát biểu: “Nói một cách đơn giản, hệ thống thu thuế của chúng tôi bị sụp đổ và chi tiêu của chúng tôi đang tăng cao ngoài khả năng kiểm soát”.
Kể từ đó, đồng Euro không còn như trước nữa.
Tuyên bố này gần như đã chấm dứt thời kì tồn tại đầy tích cực của đồng tiền chung này và hé lộ ra "gót chân Asin" của toàn hệ thống. Chính phủ của các quốc gia có quá nhiều quyền trong việc ra chính sách trong nước mình và trông mong vào hệ thống tài chính Đức để vẽ ra một bức tranh tươi sáng về châu Âu cho các nhà đầu tư.
Tuyên bố này cũng khiến các thị trường choáng váng. Các thị trường đã hành động bằng cách điều tra từng quốc gia chi tiêu hoang phí. Nó cũng đẩy những quốc gia mạnh hơn của khối Euro phải tìm cách giải cứu những nước như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Như thế cũng đã đủ đau đớn rồi.
Dù sao vào thời điểm đó, món nợ từ 220 tỷ đô la đến gần 500 tỷ đô la của các quốc gia trên vẫn ở mức có thể xoay xở được.
Nhưng khi tai họa tìm đến Italia, nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu, có món nợ lên đến 2,5 nghìn tỷ đô la, thì có vẻ như tình hình tài chính của khối thực sự bị sa lầy và rơi vào vòng xoáy khủng hoảng có đủ sức làm sụp đổ khối Euro.
Mặc dù Đức vẫn đổ lỗi cho các nước ngập trong nợ nần nhưng vào tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã họp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và quyết định thúc đẩy thay đổi nội dung các hiệp ước về quyền điều hành của EU. Hành động đó cho thấy họ đã lựa chọn sự đoàn kết chứ không chia rẽ.
“Chúng ta không nên lẩn tránh thực tế, châu Âu có thể bị cuộc khủng hoảng này cuốn trôi nếu như chúng ta không kìm chặt nó, thay đổi nó. Chúng ta không có quyền để thảm họa đó xảy ra", ông Sarkozy phát biểu ở Toulon, Pháp vào hôm qua. Ông cũng cảnh báo rằng sự sụp đổ của đồng Euro sẽ khiến nợ của Pháp không thể xử lí nổi và sẽ thổi bay tiền tiết kiệm của người dân.
Tùng Lâm